Thực thi RCEP: Thêm trợ lực phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn ít ngày nữa, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ chính thức có hiệu lực, mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc RCEP đi vào thực thi sẽ tạo thêm trợ lực cho doanh nghiệp (DN) nói riêng, nền kinh tế nói chung phục hồi và bứt tốc sau dịch.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một khu vực kinh tế lớn với quy mô khoảng 30% dân số thế giới, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Ảnh: Tiên Tấn
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực sẽ giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào một khu vực kinh tế lớn với quy mô khoảng 30% dân số thế giới, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Ảnh: Tiên Tấn

PGS. TS. Phạm Tất Thắng thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, RCEP là một hiệp định có thành viên là những thị trường lớn của Việt Nam. Như vậy, RCEP sẽ tạo thêm cơ hội để Việt Nam đưa sản phẩm hàng hóa vào sâu hơn các thị trường này. Ngược lại, chúng ta cũng nhập được nguyên vật liệu sản xuất từ các thị trường này để phục vụ cho quá trình sản xuất, kinh doanh.

“Trung Quốc vẫn là thị trường xuất nhập khẩu đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Gần đây, một số sản phẩm mới chúng ta đàm phán được như mặt hàng sữa cũng có rất nhiều tiềm năng tại thị trường lớn này”, ông Thắng bày tỏ.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, RCEP có hiệu lực sẽ có tác động tích cực với DN nói riêng và nền kinh tế nói chung. Cụ thể là cơ hội xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ được cải thiện. Bởi theo ông Dương, bất chấp khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 kéo dài 2 năm qua, xuất khẩu nước ta vẫn đạt được những kết quả tương đối tốt. Theo đó, trong bối cảnh hoạt động thương mại phục hồi, RCEP có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn nữa.

RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.

RCEP là một hiệp định hiện đại, toàn diện, chất lượng, với 20 chương bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tư do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác. Bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, mua sắm của chính phủ.

Nghiên cứu của Bộ Công Thương công bố trước đó chỉ ra, RCEP sẽ tạo nên một khu vực kinh tế lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu.

Theo cam kết, Việt Nam và các nước đối tác thuộc RCEP sẽ cắt giảm thuế quan, đây là cơ hội giúp DN Việt Nam đưa hàng hóa tiến sâu vào thị trường các nước RCEP cũng như tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra.

Cùng với cơ hội, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, RCEP có hiệu lực cũng đặt ra rất nhiều thách thức, buộc DN và nền kinh tế phải thay đổi để thích ứng và vượt lên.

Các chuyên gia cho rằng, RCEP có hiệu lực sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với DN Việt Nam, nhất là các DN xuất khẩu khi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của các nước trong RCEP có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam như: cà phê, cao su, gạo, hải sản... Các dự báo cũng cho thấy, ngoài diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 thì đến nay thương chiến Mỹ - Trung vẫn phức tạp, RCEP có thể là một trong những kênh đối tác sẽ lợi dụng để lẩn tránh thuế…

Để vượt qua những thách thức này, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng lực về thể chế, DN Việt Nam cần tiếp tục tăng sức cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường chế biến sâu nhằm xây dựng được chỗ đứng vững chắc ngay từ thị trường khu vực trước khi tiến tới thị trường xa hơn.

Cũng để hạn chế nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa, ông Thắng khuyến nghị, các DN xuất khẩu Việt Nam phải hết sức tỉnh táo, tránh tiếp tay cho một số hành vi gian lận thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu.

Cùng với đó, DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa cũng như quy định về quy tắc xuất xứ, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại… Bên cạnh đó, DN trong nước cần chủ động nắm bắt và sẵn sàng đối mặt với các tác động bất lợi, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Tin cùng chuyên mục