Thương mại toàn cầu dự kiến giảm gần 5% trong năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Báo cáo Cập nhật thương mại toàn cầu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), hoạt động thương mại trên thế giới trong năm 2023 dự kiến giảm 5% so với mức kỷ lục năm 2022, tương đương giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD xuống mức dưới 31 nghìn tỷ USD.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

UNCTAD cho biết, triển vọng thương mại năm 2024 vẫn "không chắc chắn và nhìn chung là bi quan", trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, nợ leo thang và tình trạng mong manh của các nền kinh tế lan rộng.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác ảnh hưởng đến thương mại bao gồm: nhu cầu thấp hơn ở các nước phát triển, thương mại ít hơn ở Đông Á, sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, biến động giá hàng hóa và kéo dài chuỗi cung ứng...

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ ra một số xu hướng tích cực trong năm 2023. Trong đó, khối lượng thương mại tăng nhẹ, cho thấy nhu cầu nhập khẩu toàn cầu ổn định; giá trị thương mại dịch vụ tăng 500 tỷ USD (tương đương mức tăng 7%) trong năm 2023.

Friendshoring là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây. Nó được hiểu là các doanh nghiệp đa quốc gia định tuyến lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia được coi là an toàn về mặt chính trị và kinh tế hoặc có rủi ro thấp, để tránh sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh.

Báo cáo cho thấy, các mô hình thương mại toàn cầu ngày càng bị ảnh hưởng bởi địa chính trị, trong đó các quốc gia thể hiện sự ưu tiên đối với các đối tác thương mại có quan điểm chính trị phù hợp, một xu hướng được gọi là "Friendshoring".

Xu hướng này trở nên rõ ràng hơn kể từ cuối năm 2022.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về mức độ tập trung thương mại. "Nhìn chung đã có sự sụt giảm trong việc đa dạng hóa các đối tác thương mại, cho thấy sự tập trung của thương mại toàn cầu vào các mối quan hệ thương mại lớn", Báo cáo của UNCTAD nhận xét.

Theo UNCTAD, năm 2023 ghi nhận sự gia tăng đáng kể về các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là các biện pháp phi thuế quan (NTM). Điều này được thúc đẩy bởi sự trỗi dậy của các chính sách công nghiệp và nhu cầu cấp thiết đối với các quốc gia trong việc thực hiện các cam kết về khí hậu. Những yếu tố này đã thúc đẩy các nước ưu tiên các chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp trong nước và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Một báo cáo khác gần đây của UNCTAD, Quy định thương mại đối với hành động khí hậu, đã xác định 2.366 NTM liên quan đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến 3,5% tổng số hàng hóa có khả năng thương mại và chiếm 26,4% thương mại toàn cầu.

"Những chính sách hướng nội này được dự đoán sẽ cản trở sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế", Báo cáo của UNCTAD nhận định.