Thưởng Tết: Vẫn còn nhiều bấp bênh

(BĐT) - Mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa được công bố tại nhiều nơi với sự chênh lệnh khá cao và không đồng đều ở các loại hình doanh nghiệp (DN).
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nơi cao nơi thấp

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tại Hà Nội, mức thưởng Tết cao nhất là 100 triệu đồng/người và thấp nhất là 450 nghìn đồng/người. Mức thưởng Tết bình quân chỉ tăng hơn 1% so với Tết năm trước. Ở TP.HCM, mức thưởng cao nhất là 600 triệu đồng, thấp nhất là 3,1 triệu đồng.

Tại Hà Nội, qua kết quả khảo sát lương, thưởng Tết của các DN đóng trên địa bàn Thành phố, Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, trong nhóm DN FDI, mức thưởng cao nhất dự kiến đạt 100 triệu đồng/người, thấp nhất là 450 nghìn đồng/người, mức thưởng bình quân là 3,77 triệu đồng/người, tăng xấp xỉ 1% so với năm trước.

Tiếp đến, nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu đứng thứ 2 với mức thưởng cao nhất là 38,2 triệu đồng/người và thấp nhất là 500 nghìn đồng/người, bình quân là 3,35 triệu đồng/người - tăng 1,5% so với năm trước.

Xếp thứ 3 là nhóm DN tư nhân với mức thưởng cao nhất là 25 triệu đồng/người và thấp nhất là 550 nghìn đồng/người, bình quân 3,7 triệu đồng/người, tương đương năm trước.

Và cuối cùng là DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước với mức thưởng cao nhất dự kiến đạt 20 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 nghìn đồng/người, bình quân đạt 3,5 triệu đồng/người, tăng 1,4% so với năm trước.

Tại TP.HCM, tiền thưởng cao nhất là 600 triệu đồng đối với nhóm DN tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước; và thấp nhất là 3,088 triệu đồng/người đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Tại Đà Nẵng, mức thưởng thấp nhất là 1 triệu đồng/người thuộc về DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và cao nhất là 200 triệu đồng/người thuộc về DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước. Tại khối DN FDI, mức  cao nhất là 157,5 triệu đồng/người, thấp nhất là 2,3 triệu đồng/người và bình quân là 4,3 triệu đồng/người. Theo đánh giá, mức thưởng Tết của các DN ở Đà Nẵng năm nay thấp hơn năm ngoái…

Theo phân tích của các chuyên gia lao động, khu vực DN tư nhân, nhà thầu sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, sử dụng lao động đơn giản, nhất là ở các ngành như dệt may, giày da, sẽ rất khó khăn trong việc thưởng Tết. Lý do là việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2016 dẫn đến chi phí trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tăng, nợ tiền từ nhiều gói thầu, dự án, ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN. 

Tuy vậy, Bộ LĐTBXH nhận định, mức thưởng Tết của năm nay ổn định nhờ tình hình kinh tế, lương và thu nhập cơ bản của người lao động có cải thiện ở mức nhất định. 

Vẫn chỉ là… dự kiến

Điều đáng bàn, con số mức thưởng trong báo cáo gửi các Sở LĐTHXH một số tỉnh, thành phố tới nay đều được cho là con số… dự kiến.

Điều này, theo đại diện Bộ LĐTBXH, do chưa có quy định cụ thể nào bắt buộc các DN, đơn vị phải đảm bảo tính chính xác của con số thưởng Tết, việc báo cáo chỉ mang tính khuyến khích. Vì vậy, thường có sai số. Theo kế toán trưởng một công ty, chỉ có cơ quan thuế mới nắm đầy đủ, chính xác nhất mức lương, thưởng mà các cơ quan, đơn vị dành cho người lao động vào dịp Tết.

  Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, đến hết ngày 5/1/2016, đã có tổng cộng 1.216 DN (sử dụng 261.010 lao động) trên địa bàn Thành phố báo cáo tình hình tiền lương và kế hoạch thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2016.

Đặc biệt, thời điểm này, vẫn chưa có DN, đơn vị công bố mức thưởng Tết với nhiều lý do đưa ra, như chưa cân đối được tài chính, chưa tính toán được mức lợi nhuận… Thậm chí, do kinh doanh khó khăn, có đơn vị còn đang nợ lương người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong chức năng nhiệm vụ của mình, công đoàn các đơn vị cần chủ động phối hợp với chủ DN để lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Ở các DN, nhà thầu nhỏ không có tổ chức công đoàn, và khi mức thưởng Tết được coi là thấp (như theo khảo sát của phóng viên, một số DN cấp huyện của Sơn La, Lào Cai, Hà Giang… mức thưởng mà người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số nhận được chỉ khoảng từ 1 triệu đến vài trăm nghìn đồng/người). Với nhiều trường hợp này, các tổ chức công đoàn địa phương cần tìm cách tháo gỡ, tác động tới chủ DN nghiên cứu thêm các khoản trợ cấp cho người lao động.