Tiêm kích tàng hình tối tân Trung Quốc bị nghi dùng động cơ Nga

Máy bay tàng hình J-20 có khả năng đang dùng động cơ AL-31FM2 của Nga, thay vì mẫu WS-15 nội địa như quảng cáo.
Tiêm kích J-20 biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Telegraph.
Tiêm kích J-20 biểu diễn tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Telegraph.

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 hôm nay có màn ra mắt ấn tượng trước công chúng tại triển lãm hàng không Chu Hải 2016. J-20 được quảng bá là chiếc máy bay tàng hình do Trung Quốc tự nghiên cứu và chế tạo, có thể sánh ngang với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều quan sát viên cho rằng loại máy bay này có thể vẫn đang dùng động cơ AL-31FM2 của Nga, theo Sina.

Tại triển lãm Chu Hải 2016, hai chiếc tiêm kích J-20 đã thực hiện bài bay đội hình và cơ động trên không ở tốc độ cao. Điểm đáng chú ý là hai chiếc máy bay này không xả khói đen mù mịt như màn trình diễn gây thất vọng của các chiến đấu cơ J-31 hồi năm 2014, khiến nhiều người cho rằng Trung Quốc có thể đã khắc phục được vấn đề về động cơ máy bay.

Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô (Chengdu) cho biết họ đã sản xuất và trang bị động cơ Xian WS-15 cho tiêm kích J-20. Đây là mẫu động cơ được thiết kế dựa trên dòng Soyuz R-79V-300 của Liên Xô. Trung Quốc mua được tài liệu kỹ thuật và bản vẽ của động cơ này vào năm 1992, thậm chí còn nắm trong tay thiết kế của mẫu R179-300, phiên bản nâng cấp sâu của R-79V-300.

Mẫu động cơ WS-15 có rất nhiều cải tiến để nâng cao độ tin cậy và hiệu năng hoạt động so với người tiền nhiệm WS-10. Tuy nhiên, chính giới phân tích quân sự Trung Quốc đang nghi vấn về việc trang bị loại động cơ này trên tiêm kích J-20. Độ tin cậy của WS-15 vẫn là một dấu hỏi lớn khi so sánh với các sản phẩm từ Nga.

Theo Sina, hai chiếc J-20 biểu diễn tại triển lãm Chu Hải nhiều khả năng sử dụng động cơ Saturn AL-31FM2 do Nga chế tạo. Hiện Nga chưa triển khai đại trà mẫu AL-31FM2, nhưng phiên bản AL-31FM1 đã được trang bị trên các máy bay Su-27SM3, Su-30M2 và Su-34.

Động cơ AL-31FM2 có lực đẩy 14.500 kgf, tuổi thọ hơn 3.000 giờ và tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn các phiên bản trước. Động cơ cho phép tiêm kích đạt tốc độ siêu thanh mà không cần kích hoạt bộ đốt tăng lực (afterburner).

Mẫu AL-31FM2 bảo đảm khả năng cơ động cho J-20, tránh gây ra các sự cố trong quá trình biểu diễn, nhưng nó lại khiến cho loại máy bay tối tân này không được coi là tiêm kích thế hệ 5 đích thực, vì vẫn sử dụng động cơ của tiêm kích thế hệ 4, Sina kết luận.

Màn biểu diễn của hai chiếc J-20 tại triển lãm hàng không Chu Hải 

Tin cùng chuyên mục