Về thiết bị toàn bộ, hiện các nhà thầu trong nước có thể làm tổng thầu EPC và nội địa hóa được 35 - 50% thiết bị cho các nhà máy công nghiệp. Ảnh: Tiên Giang |
Năng lực nhà thầu cơ khí gia tăng
Tại Hội thảo triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/9, tại Hà Nội, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết: “Nếu như năm 2010 chúng ta có 10.000 DN cơ khí thì đến năm 2016 tăng lên 21.000 DN; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD. Nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu đến nay từng bước được thay thế; dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ, các DN đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam thông tin, tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị cơ khí tại các gói thầu/dự án ngày càng tăng lên. “Về thiết bị toàn bộ, các nhà thầu trong nước có thể làm tổng thầu EPC và nội địa hóa được 35 - 50% thiết bị cho các nhà máy công nghiệp. Trong chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, hiện các DN cơ khí trong nước gần như đảm nhận toàn bộ. Cùng với đó, DN cơ khí cũng làm chủ việc thiết kế, sáng tạo thiết bị…”, ông Sáng nói.
Bên lề Hội thảo, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cũng cho rằng: “Năng lực của các nhà thầu cơ khí Việt Nam đang tăng lên đáng kể. Thời gian gần đây, nhiều nhà thầu trong nước đã liên tục trúng thầu các gói thầu lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong các gói thầu/dự án liên tục tăng. Trên cơ sở này, tôi hoàn toàn tin tưởng DN cơ khí Việt Nam có thể phát triển mạnh trong thời gian tới”.
Nhiều khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ
Bên cạnh những điểm sáng nói trên, số liệu của Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho thấy, hiện ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu cơ khí cả nước, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra, ở mức 45 - 50% đối với lĩnh vực này vào năm 2010. Năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng DN còn quá ít so với tổng số DN cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu...
PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương bổ sung, việc thực thi các cơ chế, chính sách tạo thị trường cho DN cơ khí trong hoạt động mua sắm, đầu tư từ ngân sách ít được thực hiện trên thực tế. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa xây dựng kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cơ khí để ngăn chặn việc nhập khẩu sản phẩm cơ khí chất lượng thấp, giá rẻ, bảo vệ sản phẩm nội địa. “Nếu để các DN trong ngành tự bơi sẽ rất khó khăn, bởi lẽ đây là ngành đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ và rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ”, ông Thạo lo ngại.
Đồng tình với đánh giá này, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh: Để đạt các mục tiêu tại Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng phê duyệt mới đây, Bộ Công Thương sẽ thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra giải pháp để giải quyết những khó khăn vướng mắc của các DN cũng như hạn chế của chính sách hiện hành...
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất 4 nhóm giải pháp lớn, đó là: Nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; về đất đai; mở rộng thị trường; khoa học công nghệ và phát triển nhân lực. Đặc biệt, theo ông Lê Thủy Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực đầu năm 2018 cũng có những chính sách hỗ trợ DN cơ khí phát triển như: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ phát triển nhân lực, hỗ trợ mặt bằng sản xuất...
Tin tưởng ngành cơ khí Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để đáp ứng 70% nhu cầu của thị trường vào năm 2030, ông Sáng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể phát triển ngành cơ khí gắn với việc nội địa hóa thiết bị; bảo hộ, bảo vệ thị trường có thời hạn và có điều kiện đặc biệt cho các dự án đầu tư công, chỉ định thầu hoặc đấu thầu cạnh tranh các hạng mục mà các DN trong nước có khả năng thiết kế, chế tạo, cung cấp...