Chiếc máy bay Boieng 727 sau 12 năm "phơi mưa, phơi nắng" |
Máy bay Boeing 727-200 bị “bỏ rơi” ở Nội Bài từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Sau khi khai thác được vài chuyến bay trên chặng Siêm Riệp - Hà Nội thì gặp sự cố kỹ thuật và ngừng bay, đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007 đến nay.
Máy bay hay sắt vụn?
Trao đổi với PV, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Cục Hàng không đã thuê một đơn vị trong nước định giá tài sản với chiếc máy bay Boeing 727 theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
“Đơn vị định giá đã gặp rất nhiều khó khăn do không có đủ hồ sơ, tài liệu về chiếc máy bay. Máy bay Boeing 727-200 sản xuất từ nhiều thập kỷ trước và hiện không còn được sử dụng phổ biến trên thế giới nữa nên không có chiếc cùng loại để so sánh. Sau khi kết thúc công việc, họ không thể đưa ra được mức giá chính xác của chiếc máy bay mà chỉ nói với chúng tôi về một con số ước tính không chính thức là 1,7 tỷ đồng.” - ông Thắng thông tin.
Về khả năng thuê đơn vị định giá nước ngoài, ông Thắng cho biết Cục Hàng không không tính đến bởi chi phí bỏ ra thuê tư vấn có thể lớn hơn chi phí thu được từ đấu giá tài sản. Vì vậy, đến thời điểm này, Cục Hàng không Việt Nam vẫn không có cơ sở để đưa ra giá khởi điểm cho việc tổ chức bán đấu giá chiếc Boeing 727-200.
Một chuyên gia kinh tế hàng không chia sẻ với PV: “Chiếc máy bay nếu bán được thì cũng chỉ có giá như sắt vụn”. Thậm chí, nhiều người thậm chí còn “bông đùa” rằng: Nếu tính theo giá sắt vụn trên thị trường là 5.000 đồng/kg thì chiếc máy bay nặng 80 tấn sẽ bán được số tiền 400 triệu đồng.
Giờ đây, số phận của chiếc máy bay Boeing 727 “vang bóng một thời” đang hẩm hiu như chính hình hài cũ nát của nó sau 12 năm “phơi mưa, phơi nắng” ở Nội Bài.
Không có chuyện “đổi chác”!
Gần đây, một doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Cục Hàng không đề xuất đổi chiếc máy bay lấy bánh, kẹo, rượu, bia trị giá 3 tỷ đồng để làm khu vui chơi giải trí; một đơn vị khác cũng đề nghị đổi 3 suất dưỡng lão lấy chiếc máy bay làm phương tiện trải nghiệm. Tuy nhiên, ông Đinh Việt Thắng cho biết: “Sẽ có không có chuyện đổi chác chiếc máy bay. Việc xử lý phải theo quy định của pháp luật, Cục đã báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.”
Theo Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Công an từng có văn bản đề nghị Cục Hàng không về việc sử dụng chiếc máy bay để diễn tập chống khủng bố. Học viện Hàng không muốn xin chiếc máy bay làm giáo cụ giảng dạy. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng nhiều lần có văn bản đề nghị sử dụng máy bay vào công tác diễn tập phòng cháy chữa cháy và diễn tập an ninh, an toàn hàng không tại sân bay Nội Bài.
“Cục Hàng không đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải 2 phương án xử lý máy bay là đấu giá hoặc giao cho ACV sử dụng chuyên ngành. Cục Hàng không nghiêng về phương án giao cho ACV. Ưu tiên cho mục đích sử dụng hữu ích trong ngành hàng không là phương án phù hợp, hoạt động hàng không rất cần các thiết bị giả định để diễn tập.” - ông Thắng nói.
Lãnh đạo Cục Hàng không cũng lý giải thêm: ACV đã phải chịu thiệt hại hơn 800.000 USD từ chiếc máy bay trong suốt 12 năm, nếu bàn giao thì ACV khẳng định sẽ “xóa nợ”, hay nói cách khác đây coi như khoản tiền ACV dùng để mua lại chiếc máy bay. Trong khi đó, việc tổ chức bán đấu giá không đủ điều kiện về mọi mặt, thậm chí sau đấu giá có thể xảy ra kiện tụng vì chủ sở hữu cho rằng giá trị sử dụng chiếc máy bay không xứng với số tiền họ bỏ ra.