Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xi măng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một trong những ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) xi măng trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Hiệp hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp DN xi măng vượt qua giai đoạn này.
Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm. Ảnh: Song Lê
Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm. Ảnh: Song Lê

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Cung cho biết, kết thúc quý I/2024, dù đã có những “tín hiệu le lói” so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung tình hình tiêu thụ xi măng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Nguy cơ DN xi măng phá sản hoặc phải bán một phần cho nước ngoài hiện hữu.

Theo VNCA, tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm, nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn. "Lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022", VNCA cho biết.

Theo ông Cung, nhu cầu xi măng thấp vì các dự án đầu tư công triển khai còn chậm. Các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông atsphalt, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông cốt thép rất hạn chế. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng...

Ngoài ra, giá đầu vào sản xuất, trong đó giá nhiên liệu, năng lượng, đặc biệt là giá than tăng cao đã đẩy giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của DN xi măng. Đây là nguyên nhân khiến xuất khẩu xi măng, clinker gặp khó khăn do phải cạnh tranh với nguồn cung dư thừa tại thị trường Trung Đông, Đông Nam Á.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, những yếu tố này khiến các DN xi măng trong nước khó càng thêm khó. Nhiều nhà máy xi măng, nhất là những đơn vị sản xuất nhỏ phải tạm đóng cửa nửa năm, thậm chí có nhà máy dừng tới 12 tháng.

Lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, lượng xuất khẩu xi măng bằng 99% năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Lượng xi măng tiêu thụ nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, lượng xuất khẩu xi măng bằng 99% năm 2022. Ảnh: Nhã Chi

Dư cung, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sụt giảm khiến số lượng DN xi măng báo lỗ không ngừng tăng. Theo báo cáo tài chính năm 2023 đã được kiểm toán gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2023, sản lượng tiêu thụ của Công ty CP Vicem Bút Sơn giảm 391.776,71 tấn, tương ứng giảm 12,43% so với năm 2022. Sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Công ty âm 96 tỷ đồng, giảm 150,18 tỷ đồng so với kết quả thực hiện năm 2022. Tương tự, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn cho biết, lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán năm 2023 âm 205,14 tỷ đồng, giảm 296,94 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022...

Nhận định về triển vọng năm 2024, hầu hết DN xi măng cho rằng, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ở trong nước, nhu cầu xi măng khó có sự tăng trưởng cao, giá điện được dự báo tiếp tục tăng... sẽ tác động đến “sức khỏe” của DN nói chung và DN xi măng nói riêng.

Tại Báo cáo thường niên công bố ngày 29/3/2024, ông Lê Huy Quân, Quyền Tổng giám đốc Công ty Xi măng Bỉm Sơn cho biết, trước khó khăn thực tế, Công ty dự kiến năm 2024 sẽ thực hiện 3.095 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận âm 158,8 tỷ đồng. Hiện Công ty có 1.180 người lao động.

Công ty CP Vicem Bút Sơn thì dự tính sẽ lỗ tiếp 110,8 tỷ đồng trong năm 2024, trong khi tổng doanh thu trên 2.700 tỷ đồng, tăng gần 4% so với 2023. Chia sẻ với các thành viên thị trường, ông Đỗ Tiến Trình, Tổng giám đốc Vicem Bút Sơn cho biết, kế hoạch này dựa trên dự báo tình hình xuất khẩu xi măng năm 2024 tiếp tục khó khăn, tiêu thụ trong nước cũng ách tắc trong khi một số dây chuyền xi măng mới sẽ đi vào hoạt động (như Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn…), đẩy nguồn cung trong nước lên khoảng 122,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 59,2 triệu tấn.

Chủ tịch VNCA nhận định, năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, trong đó tập trung đẩy mạnh các dự án lớn, các công trình trọng điểm khu vực, quốc gia làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Với kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ có bước khởi sắc trở lại, ông Cung cho biết, VNCA đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng.

Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có giải pháp để tăng sản lượng tiêu thụ nội địa. “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, đường bê tông xi măng cốt thép thay cho đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nơi nền đất yếu và những nơi cần cho lũ thoát qua”, ông Cung cho biết. Sử dụng công nghệ gia cố nền đường xi măng - đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình vì công nghệ này đã được các nước châu Âu, Mỹ sử dụng từ nhiều năm trước và nay vẫn đang sử dụng.

Bên cạnh đó, VNCA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các DN xi măng; ưu tiên các DN xi măng được vay vốn lưu động; chỉ đạo các cơ quan có liên quan có chính sách khuyến khích về tài chính, thủ tục, thuế, phí đối với việc đầu tư vận hành các thiết bị đồng xử lý, tái chế các chất thải trong nhà máy xi măng. Ban hành chính sách miễn, giảm, khấu trừ chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các DN sử dụng nhiên liệu thay thế là rác thải, chất thải trong sản xuất...

VNCA cũng kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker, trước mắt nếu chưa bãi bỏ thì giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker 2 năm tới là 5%.

Để vượt qua khó khăn, thách thức, các DN ngành xi măng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiết giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đơn cử như tăng cường sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế, sử dụng bùn thải thay thế sét, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên; nghiên cứu sản phẩm mới giảm phát thải ra môi trường, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên không tái tạo; triển khai thủ tục được cấp chứng chỉ sản phẩm xanh để xuất khẩu vào thị trường khó tính....

Tin cùng chuyên mục