Tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước. Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2021 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế”, nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2022 là rất lớn, song thách thức cũng không hề nhỏ.
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội và thách thức đan xen

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, năm 2022, thương mại toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ. Cầu của thị trường sẽ tăng lên khi khả năng thích nghi của con người trước dịch bệnh tăng lên, các chuỗi cung ứng được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh mới… Cùng với đó, năng lực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng được tăng cường. Đây là cơ hội tăng trưởng xuất khẩu năm tới.

Đồng tình với nhận định này, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hoạt động xuất khẩu của châu Á đang cất cánh với sự phục hồi vượt trội so với các khu vực khác trên toàn cầu. Đây là cơ hội cho các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam phục hồi dựa vào xuất khẩu.

Đại diện ADB nhận định, các ngành xuất khẩu sẽ phục hồi mạnh mẽ ở khu vực này là: điện tử, hàng hóa liên quan đến đại dịch (vật tư, thiết bị y tế), kim loại, máy móc, phương tiện cơ khí… Theo ông Andrew Jeffries, đây đều là các lĩnh vực Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể thời gian qua. Do đó, xu thế này có thể là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ hội rất lớn, song theo đại diện ADB, một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong ngắn hạn. Đó là chi phí vận tải tăng cao và có thể tiếp diễn đến năm 2023; đại dịch vẫn còn phức tạp, biến chủng khác có thể xuất hiện…

Đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, với EVFTA, thị trường 500 triệu dân EU có thể là cơ hội to lớn cho các DN xuất khẩu Việt Nam, nhưng đây là thị trường khắt khe với tiêu chuẩn cao. Vì vậy, những sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đó.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương nhận xét, dịch bệnh cũng thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, chuyển sang mua sắm trực tuyến, xúc tiến thương mại trực tuyến cũng nhiều hơn. Tuy vậy, năng lực xúc tiến thương mại, nhất là của các DN nhỏ và vừa còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả chuyển đổi số cũng như xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Với những dự báo trên, ông Phú cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đã định hướng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu năm 2022 và thời gian tới nhằm góp phần phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Phú cho hay, xu hướng tất yếu trong xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ tiếp tục kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhằm hỗ trợ các DN thích ứng và tận dụng được cơ hội từ sự phục hồi của thị trường sau dịch bệnh, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến nhập khẩu và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, từ đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Tiếp đó là nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại với việc chú trọng chương trình trung và dài hạn có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những ngành hàng chủ lực; thực hiện có hiệu quả chương trình thương hiệu quốc gia, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN xuất khẩu; thực hiện có hiệu quả Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030.

Đại diện ADB gợi ý, Việt Nam có thể chủ động đánh giá lại chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực để đẩy mạnh tập trung thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, cần xem xét các biện pháp hiệu quả hỗ trợ các DN nhỏ và vừa; tiếp tục giải quyết các thách thức trong lĩnh vực logistics…, hỗ trợ quá trình phục hồi của DN.

Để công tác xúc tiến xuất khẩu thuận lợi, đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý các DN xuất khẩu cần nâng cao chất lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế kỷ 21; đẩy mạnh chuyển đổi số; tránh để xảy ra tình trạng mất cân đối quá lớn giữa xuất khẩu và nhập khẩu... Bên cạnh đó, Hội nghị lần tứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã đưa ra những thông điệp về xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, sạch và bền vững. Nếu sản phẩm đi ngược xu thế đó thì không thể xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục