Nhiều địa phương sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng thời tiết khắc nghiệt do El Nino kéo dài. Ảnh: Nhã Chi st |
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh cho biết, trong năm 2015, địa phương này phải chịu thiệt hại nặng nề do tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và gây khó khăn cho đời sống của người dân. “Tình trạng này có nguy cơ tiếp tục kéo dài trong năm tới. Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm, bố trí vốn dự phòng từ nguồn ngân sách trung ương năm 2015 để đầu tư cho 4 dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là Hồ Núi Một; Đập hạ lưu Sông Dinh; Hệ thống kênh cấp 2, 3 Sông Biêu và Lanh Ra; Hệ thống nước sinh hoạt Sơn Hải”, ông Lưu Xuân Vĩnh đề xuất và kiến nghị Chính phủ cho phép được thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu các dự án này.
Cũng theo ông Lưu Xuân Vĩnh, tình trạng thiếu nước cũng ảnh hưởng tới tiến độ thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ cho phép ứng trước vốn để xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, kênh dẫn nước chống hạn.
Với Hà Nội, là địa phương có tới 35 vạn dân cư trú tại các khu vực ngoài đê trên địa bàn các quận Hoàng Mai, Thanh Trì…, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch thoát lũ lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình, quy hoạch khai thác đất ngoài đê. Hiện nay, do chưa có quy hoạch cụ thể nên Hà Nội không thể xây dựng các hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm… tại các khu vực này.
Đồng tình và tiếp thu những đề xuất của TP. Hà Nội và tỉnh Ninh Thuận về sự cần thiết của công tác phòng chống thiên tai, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sớm hoàn thiện và trình Chính phủ quy hoạch chi tiết.
Trước mắt, theo ông Cao Đức Phát, các địa phương cần tổng rà soát tình hình nguồn nước, bám sát hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bảo đảm nguồn nước cho người dân và các ngành dịch vụ khác, đồng thời có biện pháp kỹ thuật để sử dụng nước hiệu quả.
“Chủ trương thì đã có nhưng không có nguồn lực thì không thể làm được gì”, ông Cao Đức Phát nhận định. Việc huy động các nguồn lực để phòng chống những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu là rất cấp thiết, không chỉ xây dựng kết cấu hạ tầng, mà còn bảo đảm phòng chống hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh… “Thông thường, sau El Nino là La Nina, các địa phương cần phải tính tới khả năng lũ lụt để có giải pháp ứng phó kịp thời”, ông Cao Đức Phát khuyến nghị.