Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt cho tăng trưởng. Ảnh: Phạm Lựu |
Dự báo tăng trưởng lạc quan
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 diễn ra ngày 4/9/2019, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tăng trưởng chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng GDP Quốc hội giao năm 2019 là 6,6 - 6,8%).
Nhìn vào các chỉ số vĩ mô của 8 tháng qua có thể thấy, nền kinh tế đang dần đạt đến đích như khẳng định của Thủ tướng. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), lạm phát bình quân 8 tháng tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, lãi suất ổn định. Giải ngân vốn FDI tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng tiếp tục phát triển với quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng mạnh, đạt 12,7 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây...
Báo cáo tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung nhận định, kinh tế vĩ mô đang được duy trì khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong tầm kiểm soát. Một số ngành hàng hỗ trợ tăng trưởng như sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đang trong xu hướng phục hồi. Các dự án lớn trong ngành chế biến, chế tạo đang trong quá trình triển khai đi vào hoạt động, như: Nhà máy Sản xuất ô tô Vinfast, Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Bên cạnh đó, thu hút FDI vẫn tiếp tục tăng; xuất khẩu nhận được nhiều thuận lợi từ các nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước.
Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo lạc quan về mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2019. Theo Báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019 của Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam sẽ tiếp tục là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019. Nhiều tổ chức khác cũng dự báo tăng trưởng năm nay có thể vượt mức 6,8%.
Về lạm phát, các dự báo đều cho rằng, khả năng kiểm soát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi, thậm chí thấp hơn khá nhiều. Theo Nhóm phân tích của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lạm phát tháng 8 vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nhưng quan ngại lớn nhất trong 4 tháng cuối năm là rủi ro liên quan đến giá nhóm hàng thịt lợn do dịch bệnh có thể khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, xu hướng giá cả các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới không có nhiều áp lực tăng do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và xu hướng đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ là nhân tố giúp kiểm soát lạm phát. BVSC dự báo, lạm phát trung bình cả năm 2019 ở mức 3 - 3,5%.
Đặc biệt, kết quả tăng trưởng kinh tế cao, ổn định đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới, theo nhiều nhận định, là dường như không còn chống đỡ được trước những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và các căng thẳng địa chính trị gây ra.
Cầu nội địa và đầu tư là hai động lực tăng trưởng chính
Bên cạnh những yếu tố tích cực, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam vẫn sẽ chậm lại, do Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm sút; nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao. Sức ép lạm phát vẫn còn do tác động của nhiều yếu tố như giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, tình hình thời tiết diễn biến xấu và dịch bệnh có thể làm tăng giá nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm. Đồng thời, tỷ giá vẫn chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường tài chính quốc tế, trong khi điều hành chính sách tỷ giá còn nhiều khó khăn khi vừa phải đối diện với việc giảm năng lực cạnh tranh của hàng hoá nếu VND không có mức giảm giá phù hợp, vừa phải đối mặt với rủi ro bị gắn nhãn “quốc gia thao túng tiền tệ” nếu VND giảm giá quá mức…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho rằng, bối cảnh kinh tế thế giới đòi hỏi cần được theo dõi sát sao để có phản ứng chính sách, kịch bản kịp thời, phù hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu và dòng vốn vào - ra Việt Nam trong thời gian tới. Theo Bộ KH&ĐT, cầu nội địa và đầu tư sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng các tháng cuối năm. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt, trong đó các ngành sản xuất ô tô, thép, lọc hóa dầu, điện tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng trong quý III.
“Bên cạnh các chính sách kích cầu, việc chú trọng các chính sách tác động vào tổng cung như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ là rất quan trọng để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung nêu.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, trong 4 tháng còn lại của năm 2019 cần tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm.