Tín hiệu tốt từ điều hành quyết liệt của Chính phủ

(BĐT) - Điều hành của Chính phủ rất kiên quyết, chủ động. Chưa bao giờ Chính phủ tổ chức nhiều như vậy các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, các cuộc công tác để đốc thúc, kiểm điểm công việc với bộ, ngành, địa phương, đưa ra chỉ đạo cụ thể, sâu sát vào từng lĩnh vực. 
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năng suất lao động chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Ảnh: Lê Tiên
Báo cáo của Chính phủ cho thấy năng suất lao động chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Ảnh: Lê Tiên

Cộng với sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đó là nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2017 và kế hoạch năm 2018.

Bàn về kết quả tăng trưởng ấn tượng của năm 2017, đại biểu Nguyễn Đặng Quỳnh (đoàn Sơn La) cho rằng, những số liệu mà Chính phủ báo cáo như lần đầu tiên 13/13 chỉ tiêu đạt kế hoạch, tăng trưởng GDP 6,7% là có cơ sở và nếu cố gắng sẽ đạt được. “Thực tế nền kinh tế đã bắt đầu chuyển động tốt hơn”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Trong nhiều yếu tố góp phần vào kết quả này, đại biểu Quỳnh đánh giá cao công tác điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời và đúng đắn của Chính phủ. Những nỗ lực đó không chỉ giúp giải quyết khó khăn của nền kinh tế, mà đã tạo ra một thể thống nhất, sự đồng thuận chung trong toàn hệ thống chính trị.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển KTXH năm 2017 và kế hoạch năm 2018. Không chỉ ở việc 13 chỉ tiêu cơ bản đạt được kế hoạch, điều đáng mừng hơn là nhiều ngành, lĩnh vực là thế mạnh, tiềm năng đã được khơi dậy, phát huy từng bước. Ông Thắng lấy ví dụ, quý III, tăng trưởng có sự đóng góp đáng kể, chủ yếu của lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch; xuất khẩu phần mềm và đó là những tín hiệu rất tốt.

Đánh giá cao kết quả tăng trưởng, nhưng đa số đại biểu Quốc hội đều lưu ý Chính phủ phải tiếp tục quan tâm đến nâng cao chất lượng tăng trưởng. Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị), phải dựa trên chất lượng tăng trưởng mới đánh giá được đầy đủ, thực chất nền kinh tế đang đứng ở đâu.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng chỉ ra, báo cáo của Chính phủ cho thấy năng suất lao động chưa có sự chuyển biến, trong khi tỷ trọng tổng đầu tư xã hội tăng cao, ICOR chưa có sự cải thiện rõ rệt. Mô hình tăng trưởng chưa có sự chuyển đổi một cách rõ nét, đâu đó vẫn phụ thuộc tăng trưởng theo chiều rộng với lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và phụ thuộc vào đầu tư, chứ chưa đi vào tăng trưởng theo chiều sâu, đó là dựa vào công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Từ góc độ “tư lệnh” ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, như thủ tục hành chính, môi trường đầu tư còn phức tạp, rườm rà; giao vốn, giải ngân chậm; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI chưa tốt; liên kết vùng yếu, dẫn đến cắt khúc, manh mún giữa các địa phương. Tái cơ cấu nền kinh tế có chuyển biến nhưng còn chậm, 3 đột phá chiến lược chưa thể làm nhanh vì hạn chế nguồn lực và khả năng; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và mục tiêu quan trọng của năm 2018 cũng là hướng tới ổn định vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững...

Tín hiệu tốt từ điều hành quyết liệt của Chính phủ ảnh 1
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu (đoàn Hà Nội)
Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng 2018 nếu dốc sức thì sẽ còn đạt tăng trưởng cao hơn năm 2017. Tuy nhiên, tôi đồng tình với mục tiêu Chính phủ đề ra vì chúng ta đang thực hiện phương châm nhất quán là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển về chất, bền vững chứ không phải chạy theo lượng và quy mô.

Năm 2018 cần tiếp tục cải cách thể chế và bộ máy để tạo tăng trưởng bền vững, môi trường kinh doanh lành mạnh. Muốn đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự cho tăng trưởng thì phải cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và bộ máy, nếu không sẽ không thể thực hiện được. Câu hỏi đặt ra là tại sao những doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhưng doanh nghiệp nhỏ lại đánh giá là rất khó khăn. Đây là do bộ máy của chúng ta chưa cải cách và tạo ra một môi trường thực sự bình đẳng.

Mục tiêu trọng tâm thứ hai là cần phát triển nông nghiệp và du lịch - những lĩnh vực xuất phát từ nội lực. Nếu trông chờ vào phát triển của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực FDI thì cũng có thể góp phần vào tăng trưởng nhưng đã thực sự hiệu quả, bền vững chưa là vấn đề cần quan tâm.

Tín hiệu tốt từ điều hành quyết liệt của Chính phủ ảnh 2
Ông Nguyễn Văn Thắng, Đại biểu (đoàn Hà Nội)
Có ý kiến cho rằng tại sao tốc độ tăng trưởng quý III và quý IV/2017 cao mà Chính phủ lại chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018 là 6,5 - 6,7%. Tôi cho rằng mức Chính phủ đề ra là hợp lý, là mức để chúng ta có thể kiểm soát được chất lượng tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP hiện phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng và đây là điều bất bình thường. Chúng ta đang từng bước giảm sự phụ thuộc của GDP vào nguồn vốn này, nhưng hiện nay hiệu quả đạt được chưa cao vì thị trường vốn chưa phát triển. Trong khi thông lệ quốc tế thì hầu hết đầu tư trung và dài hạn đều phải xuất phát từ thị trường vốn huy động từ nguồn lực xã hội. Nhưng hiện nay ngân hàng đang phải làm cả 2 chức năng cho vay ngắn hạn và trung, dài hạn. Trong điều kiện này, nếu tăng trưởng đặt mục tiêu quá cao thì vốn tín dụng ngân hàng phải đưa ra rất nhiều, như vậy sẽ tiềm ẩn lạm phát.