Tổ chức Thương mại Thế giới đối mặt với thách thức mới

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được cho là sẽ giúp tránh được cuộc chiến thương mại gây ra bởi việc Mỹ đánh thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất thép tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 31/1 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kế hoạch tăng thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ gây ra nhiều phản ứng tiêu cực và làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại-xung đột mà WTO được cho là sẽ giúp tránh được.

Nhưng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng một điều khoản bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ đặt ra một thách thức chưa từng có đối với hệ thống giải quyết các tranh chấp của WTO, vốn đã bị suy yếu bởi sự phản đối của Washington đối với trọng tài thương mại quốc tế.

Giải quyết các tranh chấp tại WTO

Khi một quốc gia thông báo rằng họ sẽ phản đối một biện pháp thương mại tại WTO, (tổ chức có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ), điều này có nghĩa vụ việc sẽ được đưa tới Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB).

Việc giải quyết vụ việc có thể kéo dài ba năm, nhưng nếu các thẩm phán đưa ra kết luận rằng một biện pháp của một quốc gia vi phạm các quy tắc của WTO, các thẩm phán có thể cho phép các hành động trả đũa-chẳng hạn như việc áp dụng các khoản thuế đối ứng.

Tuy nhiên, không gì ngăn cản một quốc gia đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa trong khi vụ việc đang được DSB thụ lý.

Để biện minh cho những khoản thuế mới này Tổng thống Mỹ dựa vào một thủ tục ít được viện dẫn trong luật thương mại Mỹ: điều 232 cho phép Tổng thống hạn chế nhập khẩu một số sản phẩm nhất định để bảo vệ an ninh quốc gia.

Về điều này, WTO có một quy định riêng. Điều 21, từng ra đời từ thời kỳ tổ chức tiền thân của WTO, tức GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch), quy định rằng không một quốc gia nào có thể bị cản trở "áp dụng bất kỳ quyết định nào được coi là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của quốc gia đó".

Vấn đề là DSB chưa bao giờ phải sử dụng tới điều khoản 21 để đưa ra phán quyết trong một vụ việc và do đó không có tiền lệ có thể so sánh với quyết định của Mỹ.

Tuần qua, Đại sứ Canada tại WTO Stephen de Boer đã tuyên bố rằng lập luận về an ninh quốc gia là "chiếc hộp Pandora" (cụm từ thường được người phương Tây sử dụng với nghĩa sự việc gây ra những điều không lành, khó có thể hàn gắn được).

Nhiều nước cũng chia sẻ mối lo ngại rằng nếu lập luận của Tổng thống Trump được chấp nhận, điều này sẽ mở đường cho một chính sách mà theo đó mỗi quốc gia chỉ hành động vì lợi ích của chính quốc gia đó mà thôi, với việc gia tăng các loại thuế hoàn toàn mâu thuẫn với quy tắc thương mại thế giới.

DSB trong giai đoạn khủng hoảng

DSB cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng do những hoài nghi của chính phủ Mỹ đối với WTO.

Từ nhiều tháng nay, Washington đã ngăn chặn việc bổ nhiệm ba trong số bảy thẩm phán tại tòa phúc thẩm của DSB. Và nhất thiết phải có ít nhất ba thẩm phán để kiểm tra từng trường hợp, nếu không WTO sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại nữa.

Mặt khác, một trong bốn thẩm phán còn lại sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 30/9 tới, điều này khiến việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề càng trở nên cấp bách hơn.

Về mặt kỹ thuật, Chính quyền Mỹ đang làm "tê liệt" việc giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến các thuế mới với thép và nhôm.

Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, khẳng định rằng khó khăn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán là mối đe dọa chính nhằm vào WTO./.

Tin cùng chuyên mục