Toàn cảnh "bom nợ" ở tập đoàn địa ốc khổng lồ Evergrande

0:00 / 0:00
0:00
Công ty bất động sản khổng lồ Evergrande đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ, và nếu “quả bom nợ” này phát nổ, ảnh hưởng sẽ lan rộng khỏi biên giới Trung Quốc – giới phân tích cảnh báo...
Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.
Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.

“Sự sụp đổ của Evergrande có thể sẽ là bài kiểm tra lớn nhất mà hệ thống tài chính của Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây”, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Capital Economics, ông Mark Williams, nhận định với CNBC.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỦA "BOM NỢ"

Sau nhiều năm nhanh chóng mở rộng và gom mua tài sản, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Evergrande giờ đây đang “oằn mình” gánh lượng nghĩa vụ nợ khoảng 300 tỷ USD. Với số nợ này, Evergrande là công ty bất động sản nặng nợ nhất thế giới và phải xoay sở đủ cách để thanh toán cho nhà cung cấp và các chủ nợ. Trong hai tuần gần đây, công ty này đã hai lần cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ.

Tuần trước, Evergrande nói doanh số bán nhà của công ty sẽ tiếp tục giảm mạnh trong tháng 9, sau khi đã giảm liên tiếp trong nhiều tháng trước, khiến tình hình dòng tiền càng trở nên tồi tệ.

Ngày thứ Năm tuần này là thời hạn Evergrande phải thanh toán tiền lãi đối với hai trái phiếu. Thị trường đang “nín thở” chờ xem Evergrande có hoàn tất được nghĩa vụ này, bởi đây sẽ là tín hiệu quan trọng về khả năng tiếp tục trả nợ của công ty. Nguy cơ vỡ nợ của Evergrande đã được phản ánh rõ rệt trên thị trường trái phiếu, khi một trái phiếu của công ty này hiện đang được giao dịch với mức giá chỉ bằng 30% so với mệnh giá.

Vấn đề nằm ở chỗ Evergrande quá lớn, đến nỗi một vụ vỡ nợ ở công ty này sẽ không chỉ khiến nền kinh tế Trung Quốc chao đảo, mà còn gây ảnh hưởng khắp thị trường toàn cầu.

Các ngân hàng đã có phản ứng với dòng tiền yếu dần của Evergrande. Một số ngân hàng ở Hồng Kông, bao gồm HSBC và Standard Chartered, đã từ chối cấp vốn vay mới cho người mua nhà tại hai dự án chưa hoàn thiện của Evergrande – theo hãng tin Reuters.

Các tổ chức đánh giá tín nhiệm gần đây cũng liên tục hạ điểm tín nhiệm của Evergrande trên cơ sở những vấn đề về thanh khoản của công ty này. Tình hình tài chính của Evergrande xấu đi nhanh chóng từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc đưa ra những quy định mới liên quan đến hoạt động vay nợ của các công ty phát triển bất động sản. Những biện pháp này đặt ra một trần nợ tương ứng với dòng tiền, tài sản và mức vốn của mỗi một công ty địa ốc.

Diễn biến giá cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông từ đầu năm đến nay.

Diễn biến giá cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông từ đầu năm đến nay.

Năm nay, giá cổ phiếu Evergrande đã giảm gần 80%. Mấy tuần qua, giao dịch trái phiếu Evergrande liên tục bị dừng trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục.

EVERGRANDE LỚN CỠ NÀO?

Evergrande có sự hiện diện rộng trong nền kinh tế Trung Quốc. Lĩnh vực kinh doanh chính của Evergrande là bất động sản, và công ty này là nhà phát triển địa ốc lớn thứ nhì của Trung Quốc nếu xét về doanh số.

Evergrande hiện nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2.800 dự án tại hơn 310 thành phố Trung Quốc. Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: ô tô điện, dịch vụ y tế, sản phẩm tiêu dùng, sản xuất chương trình video và truyền hình, và thậm chí cả công viên chủ đề.

Thông tin trên website của Evergrande cho biết công ty có 200.000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á.

NHỮNG AI SẼ BỊ ẢNH HƯỞNG NẾU EVERGRANDE SỤP ĐỔ?

Trong trường hợp Evergrande sụp đổ, những đối tượng bị ảnh hưởng sẽ bao gồm: các ngân hàng, nhà cung cấp, người mua nhà, và nhà đầu tư. Tuần trước, Evergrande nói rằng những vấn đề ngày càng căng thẳng đang dẫn tới nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn. Cảnh báo này khiến giới đầu tư như “ngồi trên đống lửa”, và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã phải bơm gấp 14 tỷ USD vốn ngắn hạn vào hệ thống tài chính vào hôm thứ Sáu nhằm trấn an thị trường.

Evergrande nói rằng nếu công ty này mất khả năng trả nợ, sẽ xảy ra một tình huống gọi là “vỡ nợ chéo” – trong đó việc vỡ nợ đối với một nghĩa vụ nợ sẽ loang sang các nghĩa vụ nợ khác, dẫn tới ảnh hưởng lan rộng.

1. Ngân hàng

Ngành ngân hàng sẽ là một trong những lĩnh vực đầu tiên “hứng đòn” nếu ảnh hưởng của vụ Evergrande loang rộng trong ngành bất động sản của Trung Quốc, theo chuyên gia Williams của Capital Economics.

“Kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh cứng nếu xảy ra kịch bản mà ở đó hệ thống ngân hàng chao đảo vì sự sụp đổ của một công ty bất động sản lớn. Hiện tại, thị trường tài chính chưa cảnh báo về rủi ro này, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường không lo sợ về một kịch bản như vậy”, ông Williams nói.

2. Người mua nhà và nhà đầu tư trái phiếu

Tuần trước, người mua nhà và nhà đầu tư đã biểu tình phản đối Evergrande tại một số thành phố ở Trung Quốc. Hôm thứ Hai, khoảng 100 nhà đầu tư xuất hiện tại trụ sở của công ty ở Thẩm Quyến, đòi trả lãi vay đối với những sản phẩm tài chính đáo hạn, gây ra một cảnh tượng lộn xộn – Reuters đưa tin.

Nỗi lo về Evergrande đã đẩy lợi suất trái phiếu doanh nghiệp châu Á tăng cao. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp châu Á phát hành ở nước ngoài, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản, đã tăng vọt lên ngưỡng bình quân 13%, theo công ty nghiên cứu TS Lombard. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư nắm trái phiếu của những công ty này đang “nắm đằng lưỡi”.

“Việc Evergrande đảm bảo giao hàng tất cả các dự án bán trước có thể dẫn tới nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu của công ty này chẳng lấy lại được gì, hoặc cùng lắm rất ít, trong trường hợp tài sản của Evergrande bị bán nếu công ty vỡ nợ”, TS. Lombard nhận định. “Bởi vậy, lợi ích của các chủ nợ trong nước, bao gồm ngân hàng và khách mua nhà, sẽ được bảo vệ và phần thiệt hại sẽ nghiêng về các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Evergrande ở nước ngoài”.

3. Các nhà cung cấp

Nếu Evergrande sụp đổ, ảnh hưởng cũng sẽ lan rộng sang các lĩnh vực khác nếu các nhà cung cấp của công ty không được thanh toán. Theo tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings, Evergrande có thể đang “tìm cách thuyết phục” nhà cung cấp và nhà thầu chấp nhận được trả bằng bất động sản, nhằm dành nguồn tiền mặt để thanh toán lãi vay ngân hàng.

Trong một báo cáo ra tháng 8, S&P ước tính rằng trong 12 tháng tới, Evergrande sẽ có số hoá đơn và các khoản phải trả trị giá tổng cộng 240 tỷ Nhân dân tệ (37,16 tỷ USD) cần thanh toán cho các nhà thầu, trong đó 100 tỷ Nhân dân tệ sẽ đến hạn thanh toán trong năm nay.

Skshu Paint, một nhà cung cấp sơn cho Evergrande, cho biết: Evergrande đã dùng bất động sản chưa hoàn thiện để trả một phần nợ cho công ty.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch nói rằng nhiều ngân hàng cũng có sự ràng buộc gián tiếp với các nhà cung cấp của Evergrande, vì các khoản phải trả của Evergrande có trị giá lên tới 667 tỷ Nhân dân tệ.

EVERGRANDE CÓ “QUÁ LỚN ĐỂ ĐỔ VỠ”?

Giới phân tích cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể vào cuộc, xét tới tầm quan trọng hệ thống của Evergrande.

“Evergrande là một công ty phát triển bất động sản đặc biệt quan trọng, bất kỳ điều gì xảy ra đối với Evergrande cũng là một tín hiệu mạnh mẽ”, nhà kinh tế học Dan Wang thuộc Hang Seng Bank nhận định. “Tôi tin rằng sẽ có những biện pháp hỗ trợ nào đó từ Chính phủ trung ương, hoặc thậm chí PBOC, để cứu Evergrande”.

Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.

Một dự án bất động sản còn chưa hoàn thiện của Evergrande ở Lạc Dương, Trung Quốc, tháng 9/2021 - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác cho rằng khả năng cao hơn là Evergrande sẽ phải trải qua một cuộc tái cơ cấu.

“Cái kết có khả năng cao nhất là một cuộc tái cơ cấu, trong đó các công ty bất động sản khác sẽ tiếp quản các dự án chưa hoàn thiện của Evergrande để đổi lấy đất của Evergrande”, chuyên gia Williams của Capital Economics nhận định.

Vị chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ đặt lợi ích của người mua nhà và các ngân hàng lên trên những đối tượng khác khi xử lý vụ Evergrande. “Ưu tiên chính của các nhà hoạch định chính sách sẽ là các hộ gia đình đã nộp tiền đặt cọc mua căn hộ chưa hoàn thiện. Các chủ nợ khác của Evergrande sẽ gánh phần thiệt hại”.

Ngân hàng đầu tư Natixis nhận định Chính phủ Trung Quốc sẽ tránh những rủi ro hệ thống trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản nước này vào năm 2022, xét tới tầm quan trọng lịch sử của kỳ đại hội.

“Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande sẽ phình to theo giờ gian”, Natixis nhận định trong một báo cáo, nói thêm rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay sẽ không giúp giảm bớt những thiệt hại tài chính như trước kia.

Tin cùng chuyên mục