Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm Mông Cổ, Ireland, Pháp và dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng nay (30/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm Mông Cổ, Ireland, Pháp và dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh: TTXVN.

Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh, Tổng thống Ireland Michael D. Higgins và Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 30/9-7/10.

Tham gia đoàn có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội (Chủ tịch phân ban Việt Nam tại Liên minh Nghị viện Pháp ngữ APF, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Pháp) Nguyễn Thuý Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Y tế, Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phạm Hoài Nam; Trợ lý của Tổng Bí thư; Phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư Tô Ân Xô.

Ngoài ra có Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, Nguyễn Tuấn Thanh; Đại sứ Việt Nam tại Ireland, Đỗ Minh Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhằm khẳng định một lần nữa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đồng thời cũng thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ireland, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp và mong muốn nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác phù hợp với tình hình mới và lợi ích của các nước.

Với Mông Cổ, đây là chuyến thăm diễn ra vào đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ cùng lãnh đạo cấp cao Mông Cổ trao đổi các định hướng lớn, các biện pháp quan trọng để thắt chặt hơn nữa sự tin cậy chính trị cũng như tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực hai bên ưu tiên, nhất là hợp tác chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.

Với Ireland, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ireland của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 1996. Trong chuyến thăm lần này, Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ireland có thế mạnh, như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đào tạo nhất là giáo dục đại học.

Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới.

Với Pháp, trên cơ sở quan hệ “lương duyên” đặc biệt, và kết quả quan hệ hợp tác Đối tác chiến lược hơn 10 năm qua, Lãnh đạo hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược lên một tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, tương xứng với tiềm năng và vị thế của cả hai nước ở khu vực và trên thế giới; tăng cường hợp tác thương mại đầu tư; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác truyền thống như văn hoá, giáo dục, khoa học công nghệ, hợp tác giữa các địa phương; mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như hàng không vũ trụ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, kinh tế số…