Tổng bí thư: Đổi mới tư duy cả hệ thống chính trị

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 “là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ”...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc toàn quốc triển khai công tác bầu cử, sáng 2/2.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc toàn quốc triển khai công tác bầu cử, sáng 2/2.

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử sáng 2/2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Hội nghị lần này quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. 

Ông nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Việt Nam đã trải qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 5 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2 năm thực hiện Hiến pháp năm 2013. Đại hội lần thứ 12 của Đảng vừa kết thúc thành công rất tốt đẹp, đã thông qua các văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. 

Cuộc bầu cử này, theo Tổng bí thư, là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. 

“Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp”, Tổng bí thư nói. 

“Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. 

Ông cho biết, Bộ Chính trị đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm. 

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, kết quả của cuộc bầu cử sẽ góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những công việc các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện về bầu cử, như: quyết định cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân; tiến hành việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; thành lập các tổ chức bầu cử ở địa phương; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, trật tự, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử… 

Như VnEconomy đã thông tin, theo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khoá 14 thì sẽ có khoảng 80 uỷ viên Trung ương tham gia Quốc hội khoá 14.