Tổng công ty Xi măng Việt Nam: Loạt công ty con khó thanh toán nợ đến hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường kinh doanh bất lợi khiến nhiều công ty con thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) như Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Vicem Bỉm Sơn), Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty TNHH MTV Xi măng Tam Điệp… thua lỗ trong năm 2023. Một số đơn vị khác như Công ty CP Xi măng Hạ Long (Vicem Hạ Long) và Công ty CP Xi măng miền Trung đã phát sinh các khoản nợ quá hạn lên đến gần 3.000 tỷ đồng.
Công ty CP Xi măng Hạ Long ghi nhận khoản nợ quá hạn cuối năm 2023 hơn 2.850 tỷ đồng. Ảnh: NC st
Công ty CP Xi măng Hạ Long ghi nhận khoản nợ quá hạn cuối năm 2023 hơn 2.850 tỷ đồng. Ảnh: NC st

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Vicem, 2 công ty con thuộc Tổng công ty là Vicem Hạ Long và Công ty CP Xi măng miền Trung ghi nhận khoản nợ quá hạn cuối năm 2023 hơn 2.913 tỷ đồng, tăng thêm 97,2 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, Vicem Hạ Long nợ hơn 2.850 tỷ đồng, trong đó, công ty này phát sinh khoản nợ hơn 533,5 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Khu vực Đông Bắc. Khoản vay có lãi suất 7,02 - 9,9%/năm, kỳ hạn 20 năm với kỳ trả nợ cuối cùng vào tháng 2/2023. Vicem Hạ Long cũng phát sinh khoản vay trực tiếp từ Tổng công ty Sông Đà trị giá 953 tỷ đồng.

Ngoài các khoản vay bằng VND, Vicem Hạ Long cũng phát sinh các khoản vay bằng USD với Ngân hàng Phát triển châu Á trị giá 52,129 tỷ đồng (thời hạn 25 năm, kỳ trả nợ cuối cùng vào tháng 11/2034, lãi suất từ 5,7 - 8,5%/năm); khoản vay bằng EUR với Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu (NIB) trị giá 324,6 tỷ đồng (thời hạn vay 19 năm, kỳ trả nợ cuối cùng vào tháng 9/2024, lãi suất 6,4%/năm); khoản vay bằng EUR với Quỹ Tích lũy Bộ Tài chính giá trị 987,6 tỷ đồng (gốc được thanh toán theo lịch trả nợ đến hết năm 2023, lãi suất 5,13%).

Bên cạnh các khoản vay đang quá hạn trên, Vicem Hạ Long còn có các khoản vay đồng tài trợ từ BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank hơn 135,275 tỷ đồng (thời hạn 17 năm 6 tháng, kỳ trả nợ cuối cùng vào ngày 20/4/2024, lãi suất 8,3%/năm) và khoản vay 13,2 tỷ đồng từ MBBank - Chi nhánh Mỹ Đình…

Đối với Công ty CP Xi măng miền Trung, doanh nghiệp này đang phát sinh các khoản nợ quá hạn 30 tỷ đồng với BIDV - Chi nhánh Quảng Ngãi, 17 tỷ đồng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và khoản nợ 12,8 tỷ đồng vay cá nhân.

Trước tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trên, đơn vị kiểm toán Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Vicem là Công ty TNHH Kiểm toán An Việt nhấn mạnh, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn Vicem vượt quá tài sản ngắn hạn là 5.197 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 5.031 tỷ đồng), thể hiện các khó khăn về tài chính và khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả tại một số công ty con của Tổng công ty.

Trong đó, một số công ty con thuộc diện giám sát theo các quyết định của Hội đồng Thành viên Vicem, bao gồm: Vicem Tam Điệp, Vicem Sông Thao và Vicem Hạ Long. Các công ty nêu trên có số dư lỗ lũy kế trong nhiều năm và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn tại thời điểm 31/12/2023 là 6.513 tỷ đồng (tại ngày 1/1/2023 là 6.129 tỷ đồng). Theo đó, việc cải thiện tình hình tài chính và khả năng hoạt động liên tục của các công ty này phụ thuộc vào việc cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh trong tương lai và khả năng thu xếp nguồn tài chính phục vụ cho việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Hiện trong 3 doanh nghiệp trên, chỉ có Vicem Tam Điệp công khai tình hình kinh doanh. Năm 2023, doanh nghiệp này lỗ 65,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2023 lên hơn 1.127 tỷ đồng.

Trong một báo cáo mới đây, Vicem Bỉm Sơn và Vicem Bút Sơn cho biết, thị trường xi măng tiếp tục gặp khó khăn do nguồn cung vượt xa so với nhu cầu. Trong năm 2024, một số dây chuyền sản xuất xi măng đi vào hoạt động như Xi măng Vissai Đại Dương 2, Xi măng Xuân Sơn, đẩy nguồn cung xi măng tăng lên khoảng 122,5 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo khoảng 59,2 triệu tấn (tăng khoảng 5% so với năm 2023). Điều này dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Với xuất khẩu, do cạnh tranh từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác trong khu vực, sản lượng xuất khẩu dự báo đạt khoảng 20,5 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2023.

Tin cùng chuyên mục