Cấp kinh phí 1 tỷ đồng/năm để kiểm soát trọng tải xe. |
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa có báo cáo đánh giá kết quả kiểm soát tải trọng xe 5 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, 5 tháng qua, lực lượng chức năng tại các trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động, cố định và thanh tra các sở giao thông vận tải sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 121.987 xe. Trong đó, có 14.453 xe vi phạm (chiếm 11,85%), tước 4.577 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước hơn 147 tỷ đồng.
“Tỷ lệ xe vi phạm tải trọng chuyên chở cho phép so với số xe bị kiểm tra 5 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm 2016, từ 7,13% lên đến 11,85%”, báo cáo nêu rõ.
Theo Tổng cục Đường bộ, thời gian qua tái diễn xe quá tải với đường dài, xe cơi nới kích thước thành, thùng chở hàng quá tải, đặc biệt tại các khu vực công trình xây dựng.
Một số doanh nghiệp có xe vi phạm khi bị kiểm tra thường tìm mọi cách né tránh, giấu xe, cho người theo dõi tổ kiểm tra trọng tải xe hoặc không chấp hành, đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối…
Bên cạnh đó, một số ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT mặc dù đã ký cam kết với Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh không bốc xếp, tiếp nhận phương tiện vận tải hàng hoá quá trọng tải quy định nhưng vẫn vi phạm. Nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý để xử lý các trường hợp này.
Về khó khăn, vướng mắc, Tổng cục Đường bộ cho hay, kinh phí cấp cho hoạt động kiểm soát tải trọng xe của các Sở Giao thông Vận tải, các Cục quản lý đường bộ, các trạm kiểm tra tải trọng xe là rất thấp, dưới 1 tỷ đồng/năm.
“Kinh phí thấp không tương ứng với nhiệm vụ phải thực hiện. Việc cấp kinh phí chậm trễ cũng gây khó khăn trong triển khai và chi trả các khoản chi cho thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe”, báo cáo nêu.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, lực lượng thanh tra giao thông thực hiện kiểm soát tải trọng xe mỏng, còn phải tham gia các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông khác nên chưa thể kiểm soát được các quốc lộ, đường bộ địa phương có xe tải lưu thông, khi thay ca, một số lái xe lợi dụng vượt trạm kiểm tra tải trọng xe.
Trong thời gian tới, để đảm bảo kiểm soát tải trọng xe, Tổng cục Đường bộ cho hay sẽ bổ sung, sửa đổi và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT quy định về tổ chức và hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra một số địa phương về công tác quản lý vận tải, ký cam kết không vi phạm tải trọng trong bốc xếp hàng hoá; xử lý các vi phạm về kích thước, thùng xe…