Ảnh Internet |
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS TP.HCM khẳng định, thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá các khu “đất vàng”, khu đất có giá trị cao để các tài sản này có thể phát huy hết giá trị, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Ông có thể cho biết hoạt động bán ĐGTS nhà nước là quyền sử dụng đất tại TP.HCM thời gian qua diễn ra như thế nào?
Chỉ thị số 18/2011/CT-UBND của UBND TP.HCM ban hành ngày 20/5/2011 quy định, kể từ ngày 1/6/2011, khi bán ĐGTS của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký hợp đồng bán ĐGTS với tổ chức bán ĐGTS chuyên nghiệp nhằm đảm bảo việc bán ĐGTS tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định, tránh thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt tài sản là quyền sử dụng đất.
Theo quy định, Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS TP.HCM có nhiệm vụ tiếp nhận các tài sản là động sản, bất động sản để bán đấu giá theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu tài sản hoặc do pháp luật quy định.
Quá trình tổ chức bán ĐGTS là quyền sở hữu đất tại TP.HCM cho thấy có rất nhiều thuận lợi. Đầu tiên, về nguồn gốc, tài sản nhà nước là tài sản không có xung đột quyền lợi, nên việc giao tài sản sau khi đấu giá thành công rất dễ. Thứ hai, trình tự, thủ tục bán ĐGTS nhà nước tại TP.HCM, đặc biệt với tài sản là quyền sử dụng đất lâu nay vẫn diễn ra công khai, minh bạch nên thông qua đấu giá, giá trị các tài sản này đã tăng lên rất cao. Hơn nữa, TP.HCM là thị trường tiềm năng, số lượng cá nhân, tổ chức quan tâm, tham gia các cuộc đấu giá rất lớn, nên các cuộc bán ĐGTS là quyền sử dụng đất tại Thành phố luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư.
Ông có thể chia sẻ thêm về những cuộc đấu giá thành công mà Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã thực hiện?
Tôi có thể khẳng định rằng, việc bán ĐGTS nhà nước là quyền sử dụng đất tại TP.HCM có nhiều yếu tố thuận lợi như thị trường sôi động, thị hiếu đa dạng. Do đó, có rất nhiều cuộc đấu giá đã thành công về nhiều phương diện, đặc biệt là góp phần làm gia tăng giá trị tài sản nhà nước. Năm 2014, chúng tôi tổ chức ĐGTS là lô đất của Công ty Kho bãi TP.HCM, tài sản này có giá khởi điểm là 14 tỷ đồng, nhưng qua đấu giá đã bán được 22 tỷ đồng. Năm 2015, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm thông qua Trung tâm đã bán đấu giá thành công tài sản của Ban với giá 256 tỷ đồng, trong khi giá khởi điểm chỉ 167 tỷ đồng. Hay tài sản của Chi cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) có giá khởi điểm là 39 tỷ đồng, nhưng qua đấu giá đã được bán với mức 66,5 tỷ đồng; rồi tài sản của Công an Thành phố giá khởi điểm chỉ 27 tỷ đồng, thông qua đấu giá rộng rãi đã thu về 40,5 tỷ đồng…
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán ĐGTS, theo ông, làm thế nào để tránh thất thoát tài sản nhà nước, đặc biệt là trong việc bán ĐGTS là quyền sử dụng đất?
Luật ĐGTS được ban hành là bước phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực ĐGTS. Đây cũng là khung pháp lý cao nhất để chống thất thoát, lãng phí khi tổ chức bán ĐGTS nhà nước. Bên cạnh đó, ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực, trong đó quy định hành vi thông đồng, dìm giá trong ĐGTS sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là một nỗ lực lớn trong việc xây dựng môi trường minh bạch, công khai, đúng quy định trong hoạt động đấu giá. Việc đưa hành vi thông đồng, dìm giá trong ĐGTS vào Bộ luật Hình sự có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục, răn đe, xử lý, truy cứu những cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động bán ĐGTS gây thất thoát tài sản nhà nước.
Kết quả bán đấu giá tài sản của Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM