TP.HCM đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh

(BĐT) - Đô thị thông minh (ĐTTM) có 4 chủ thể gồm: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN), các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. 
TP.HCM sẽ mời gọi công khai, minh bạch để thu hút nhà đầu tư tham gia trao đổi kinh nghiệm và giải pháp công nghệ xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TP.HCM sẽ mời gọi công khai, minh bạch để thu hút nhà đầu tư tham gia trao đổi kinh nghiệm và giải pháp công nghệ xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực; không gian mạng, Internet, viễn thông; con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình”.

Đối với TP.HCM, việc quản lý gắn với ĐTTM nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế cao, đặc biệt là tính bền vững của phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân, cung cấp cho người dân những dịch vụ sống tốt nhất; chính quyền phục vụ người dân tốt nhất; người dân tham gia vào quá trình quản lý và giám sát chính quyền. Thành phố chọn đấu thầu công khai để tăng sức hấp dẫn với mọi DN. 

Đô thị thông minh chính là hội tụ tinh hoa của doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Thành phố mong muốn các bộ, ngành, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tiếp tục hỗ trợ, chung tay cùng Thành phố xây dựng hai trung tâm: Trung tâm điều hành ĐTTM và Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (KTXH), góp phần xây dựng Thành phố trở thành ĐTTM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025”.

Người đứng đầu Thành phố cho biết, cần làm rõ 8 trọng tâm của một ĐTTM. Đó chính là: đầu vào của Trung tâm Điều hành ĐTTM và Trung tâm Mô phỏng và Dự báo KTXH; đầu ra của 2 trung tâm này; thiết kế các cơ cấu chức năng của 2 trung tâm; các thiết bị đầu tư gồm phần cứng và phần mềm cho 2 trung tâm; tình hình cung cấp phần cứng, phần mềm cho 2 trung tâm; kinh nghiệm vận hành, dự báo của các trung tâm ở các quốc gia khác; lựa chọn DN cung cấp giải pháp cho 2 hệ thống; làm rõ các tiêu chí để lựa chọn các DN cung cấp giải pháp, hệ thống cho 2 trung tâm”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Dương Anh Đức cho biết thêm, trong giai đoạn 2018 - 2020, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo KTXH sẽ mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực liên quan đến các chỉ tiêu KTXH chủ yếu thuộc giai đoạn 2015 - 2020 của Thành phố. Việc mô phỏng này nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND Thành phố và các cơ quan liên quan.

Và giai đoạn từ năm 2021 trở đi, Trung tâm sẽ mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Đề án ĐTTM nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND Thành phố và các cơ quan có liên quan. Đồng thời, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo Thành phố.

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo UBND TP.HCM, việc triển khai xây dựng ĐTTM đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó cần phải có khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai. “Để thực hiện điều này, rất cần sự tham gia của các DN, nhà đầu tư để sát cánh cùng Thành phố. Phát triển ĐTTM chính là sự chung tay của Thành phố và các DN”, ông Nhân nhấn mạnh.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, Thành phố đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ như VNG, Viettel, VNPT, FPT, CMC… về việc tham gia cung cấp các giải pháp cho ĐTTM. Đại diện của các DN này cho biết họ sẵn sàng hợp tác với Thành phố để triển khai ĐTTM, theo hình thức DN sẵn sàng đầu tư giải pháp để cung cấp dịch vụ.

Cụ thể, VNPT đang hoàn thiện khung kiến trúc tham chiếu về ĐTTM, các chuẩn kết nối, tích hợp cho các hệ thống và dịch vụ ĐTTM; đề xuất mô hình và giải pháp cho Trung tâm Điều hành ĐTTM của Thành phố (IOC); phối hợp với Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung lên phương án xây dựng Trung tâm Dữ liệu dự phòng cho Thành phố và các hoạt động công nghệ thông tin (CNTT) liên quan phục vụ SEA Games 31; tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai thí điểm xây dựng ĐTTM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; nâng cấp một số tính năng cho hạng mục Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp dựa trên hệ thống liên thông 113-114-115… Thành phố cũng đặt hàng VNPT các chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc vận hành ĐTTM.

Hay Viettel sẽ cung cấp 100% WiFi không dây vào từng nhà người dân, đồng thời đề nghị cung cấp gói cước 4G cho du khách đến Thành phố.

Còn VNG đang cung cấp các giải pháp đám mây, giúp giải quyết những bài toán của sự phát triển đô thị như tắc nghẽn giao thông, an toàn cho Thành phố (thông qua những công nghệ như camera thông minh), rác thải ô nhiễm, giáo dục…

Trong khi đó, ngày 2/9/2018, Tập đoàn Lotte đã khởi công Dự án Khu phức hợp thông minh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Bên cạnh đó, TP.HCM và Singapore hợp tác xây dựng ĐTTM; Thành phố cũng chú trọng học hỏi kinh nghiệm xây dựng ĐTTM và khởi nghiệp sáng tạo tại Tel Aviv, Israel. 

Đấu thầu công khai

Theo Lãnh đạo UBND TP.HCM, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi phải bám sát công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó cần phải có khả năng dự đoán, dự báo sự phát triển công nghệ trong tương lai, để có thể lựa chọn công nghệ mang tính mở, có khả năng chuyển đổi, tích hợp giữa công nghệ hiện tại và tương lai.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, Thành phố sẽ xây dựng ĐTTM bằng cách mời gọi công khai, minh bạch các nhà đầu tư tham gia trao đổi kinh nghiệm và giải pháp công nghệ. Đầu tiên là triển khai xây dựng hai trung tâm: Trung tâm Điều hành ĐTTM, Trung tâm Mô phỏng và Dự báo KTXH. Riêng Trung tâm Điều hành giao thông thông minh, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo tiến hành mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Sự quan tâm của DN đối với khát vọng xây dựng ĐTTM của TP.HCM là rất lớn. Tổng giám đốc Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn khẳng định, không thể có một mô hình nào để một DN, tổ chức làm toàn bộ cho Thành phố, mà cần có sự huy động lực lượng khác nhau và cùng phối hợp đầu tư cho Thành phố trong tương lai.

Về tiêu chí để lựa chọn DN đầu tư vào TP.HCM, theo bà Nhàn, Thành phố cần chọn những DN có sự mạnh dạn trong việc đầu tư những mô hình giúp Thành phố trải nghiệm trước, nhìn thấy thực tiễn. Đầu ra của các trung tâm trong ĐTTM là tạo tiện ích cho tất cả các đối tượng như người dân, học sinh - sinh viên, nhà quản lý, cơ quan chuyên môn…

Trong khi đó, ông Lê Dương Lâm, Giám đốc điều hành Công ty CP Crowbiz (Mỹ) cho rằng xây dựng ĐTTM phải có giao thông thông minh và đều phải sử dụng khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Trong đó, có thể ứng dụng nền tảng đám mây Google, big data, tiền xử lý, phân tích dữ liệu thời gian thực hoặc dùng apps, sms.

Với quan điểm tư nhân càng tham gia sâu hơn vào khâu đào tạo, chuyển giao công nghệ để vận hành mạng lưới ĐTTM thì càng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, hạn chế sử dụng nhiều  ngân sách nhà nước. Theo đó, TP.HCM và Công ty TNHH Intel Product Việt Nam đã cử 6 sinh viên tham gia đào tạo thạc sĩ tại Đại học Bang Arizona nhằm tạo nguồn nhân lực phục vụ Đề án.

Trong quý III/2019, Thành phố phê duyệt khung kiến trúc ĐTTM, triển khai trên toàn Thành phố. Còn đối với Trung tâm An toàn thông tin, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu công khai với sự tham gia của các DN CNTT lớn trong nước.