TP.HCM đặt mục tiêu đầu tư Dự án thành phần Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác (2.400 tỷ đồng) trong giai đoạn 2024 - 2030. Ảnh: Tiên Giang |
Cần hàng chục nghìn tỷ đồng để hoàn thiện kết nối cao tốc
Theo quy hoạch vùng TP.HCM, Thành phố sẽ có 6 tuyến đường bộ cao tốc và 2 tuyến đường vành đai cao tốc đô thị với tổng chiều dài khoảng 628 km, quy mô từ 6 - 10 làn xe. Cụ thể, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (55 km); cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (59 km); cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (50 km), cao tốc Bến Lức - Long Thành (58 km), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (76 km), cao tốc TP.HCM - Trung Lương (40 km) và đường Vành đai 3 TP.HCM (91 km), Vành đai 4 (199 km).
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết, 8 tuyến giao thông đường bộ này là đột phá lớn nhất về hạ tầng giao thông kết nối cho TP.HCM phát triển xứng tầm trong giai đoạn tới. Cả 8 tuyến đều có tính liên kết mạnh với các khu vực kinh tế năng động phía Nam, lưu lượng vận tải hàng hóa sôi động nhất cả nước.
Theo Sở GTVT TP.HCM, quá trình rà soát nhu cầu kết nối với các tuyến đường bộ cao tốc cho thấy, cần triển khai 6 dự án kết nối trong thời gian tới. Đó là, Dự án Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và bổ sung chỗ ra, vào cao tốc kết nối đường Long Phước, TP. Thủ Đức (sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 657 tỷ đồng); Dự án Đầu tư hoàn thiện các nhánh kết nối và mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương; Dự án Đầu tư hoàn chỉnh các nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với các tuyến đường thuộc địa bàn TP.HCM (chỉ tính riêng Dự án thành phần Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng); Dự án Kết nối đường Vành đai 3 TP.HCM (quy mô dự kiến khoảng 19.400 tỷ đồng); Dự án Đầu tư đường dẫn kết nối với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dự án Bổ sung quy hoạch tuyến kết nối đường Vành đai 2 TP.HCM đến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Linh hoạt trong huy động vốn
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, việc huy động nguồn vốn cho 6 dự án nêu trên trong giai đoạn tới rất khó khăn, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Đơn cử, Dự án Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và bổ sung chỗ ra, vào cao tốc kết nối đường Long Phước (TP. Thủ Đức) có 3 dự án thành phần. TP.HCM sẽ chủ động đầu tư Dự án thành phần Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao thông An Phú đến đường Vành đai 2, chiều dài 4 km). “UBND TP.HCM đang hoàn thiện hồ sơ để trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư Dự án trong năm 2024, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2024 - 2026”, Sở GTVT Thành phố cho biết.
Riêng Dự án thành phần bổ sung chỗ ra, vào cao tốc kết nối đường Long Phước (TP. Thủ Đức), Thành phố đề xuất 2 phương án. Phương án 1, đầu tư đồng bộ với Dự án thành phần mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Phương án 2, trong trường hợp VEC khó khăn về nguồn vốn hoặc việc bổ sung chỗ ra, vào cao tốc ảnh hưởng đến tiến độ Dự án mở rộng cao tốc, đề nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương và Thành phố sẽ thực hiện đầu tư các hạng mục công trình bằng nguồn vốn ngân sách cùng với đường Long Phước.
TP.HCM dự định tăng tính chủ động trong việc sắp xếp vốn đối với Dự án Đầu tư hoàn chỉnh các nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với các tuyến đường thuộc địa bàn TP.HCM. Trong đó, với Dự án thành phần Nút giao giữa Quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC thừa nhận khó thu xếp đầu tư, bổ sung các hạng mục trong giai đoạn hiện nay. Do đó, TP.HCM sẽ đầu tư hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 50 bằng các dự án riêng để phù hợp với tình hình phát triển đô thị của khu vực và phát huy hiệu quả.
Với Dự án thành phần Nút giao đường Nguyễn Văn Tạo với cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM cho biết sẽ thu xếp để thực hiện Dự án theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Đặc biệt, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ đầu tư bằng được Dự án thành phần Nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác (2.400 tỷ đồng) trong giai đoạn 2024 - 2030. Trước mắt, Thành phố giao Sở GTVT lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2024 để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Do tính cấp bách của hệ thống kết nối cao tốc cần hoàn thiện đồng bộ với các dự án đường bộ cao tốc, UBND TP.HCM cho biết, tùy từng dự án sẽ áp dụng hình thức triển khai phù hợp, nỗ lực huy động thành công nguồn vốn đầu tư.