TP.HCM huy động nguồn lực cho 7 chương trình đột phá

(BĐT) - Tại cuộc họp bàn về tổng thể nguồn vốn dành cho 7 chương trình đột phá của TP.HCM diễn ra ngày 26/10/2016, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến thời điểm này, việc xây dựng, phân bổ nguồn vốn cho từng chương trình vẫn chưa cụ thể.
Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM. Ảnh: Đinh Tuấn
Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông là 1 trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM. Ảnh: Đinh Tuấn

Theo ông Tuyến, vừa qua, Trung ương đã có ý kiến là TP.HCM chỉ giữ lại 18% ngân sách, nhưng tới đây Thành phố sẽ báo cáo Trung ương để xin được giữ lại 21% ngân sách. Dự kiến, trong năm 2017, nguồn thu ngân sách của Thành phố ước khoảng 360.000 tỷ đồng. Nếu Trung ương không đồng ý với đề xuất trên của Thành phố, thì ngân sách Thành phố giữ lại để đầu tư phát triển bị giảm so với trước rất nhiều.

Một vấn đề được nhiều sở, ngành của TP.HCM thừa nhận là, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách được giữ lại sẽ bị giảm, nếu muốn thu hút được các nguồn lực khác trong xã hội thì Thành phố buộc phải thay đổi cách huy động vốn. Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng mới đây cho biết, để thực hiện 7 chương trình đột phá, tổng nguồn vốn cần khoảng 1.000.000 tỷ đồng, dẫu trước đó theo tính toán sơ bộ, con số đó chỉ khoảng 400.000 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho rằng, trong tình hình hiện nay, Thành phố cần cân nhắc lại danh mục đầu tư cũng như hình thức huy động vốn. Nguồn vốn ODA thời gian vay ngắn, lãi suất cao chứ không còn dễ dàng như trước. Vì thế, phải đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Trước mắt, Thành phố cần lấy một vài trường học, bệnh viện làm thí điểm việc xã hội hóa để giảm chi ngân sách. Những DN nào Nhà nước còn nắm dưới 49% vốn thì cũng cần thoái vốn luôn.    

Tin cùng chuyên mục