TP.HCM: Khát vọng thành phố thông minh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 46 năm sau giải phóng, TP.HCM đã trở thành trung tâm kinh tế lớn của cả nước, là nơi khởi phát nhiều sáng kiến và thí điểm mô hình mới. TP.HCM hôm nay đang chuẩn bị nguồn lực để hiện thực hóa giấc mơ thành phố thông minh và mô hình đột phá thành phố trong thành phố.
Quận 1 và Quận 12 là hai quận thí điểm đô thị thông minh đầu tiên của TP.HCM. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Quận 1 và Quận 12 là hai quận thí điểm đô thị thông minh đầu tiên của TP.HCM. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Hiện thực hóa mô hình thành phố trong thành phố

Với người dân TP.HCM, ngày 31/12/2020 là một dấu mốc đáng nhớ khi Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM được công bố.

TP. Thủ Đức được hình thành từ 3 quận của TP.HCM, gồm: Quận 2, quận Thủ Đức và Quận 9. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, thành lập TP. Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận, mà còn là cột mốc phát triển của TP.HCM trong hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Lưu cho rằng, TP. Thủ Đức cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao, tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư.

Vạn sự khởi đầu nan. Thành phố mới, gian nan, thách thức mới nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới. TP. Thủ Đức ra đời là cơ hội cho các lớp cán bộ, nhà khoa học, doanh nhân và thanh niên khẳng định mình, cống hiến, xây dựng nên một thành phố hiện đại, thành phố văn hóa, hội nhập, đáng sống vào bậc nhất Việt Nam.

Xét trên nhiều góc độ, thành phố trong thành phố là mô hình sáng tạo điển hình và xứng đáng với đóng góp, vị thế của TP.HCM đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian dài, TP.HCM là địa phương có đóng góp GDP dẫn đầu cả nước, nhiều chỉ số tăng cao hơn so với mức tăng chung của cả nước. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM đạt mức tăng trưởng 7,86% (cả nước tăng 7,02%). GRDP của Thành phố đóng góp tới 22,27% cho GDP cả nước. Năm 2020, dù là một trong những “tâm dịch” Covid-19, TP.HCM vẫn vững vàng góp phần ổn định kinh tế, phục hồi đà tăng trưởng.

Đặc biệt, TP.HCM có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài “rót” vào Thành phố hơn 8 tỷ USD/năm. “Với tốc độ phát triển kinh tế ổn định, tăng trưởng cao, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn TP.HCM là điểm đến. TP.HCM trở thành một trong những thành phố có nền kinh tế hấp dẫn nhất tại khu vực Đông Nam Á và kể cả châu Á”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định.

Từ phương diện kết cấu hạ tầng, suốt hai thập kỷ qua TP.HCM đã dồn nguồn lực, tài nguyên vào hàng ngàn dự án. Theo Sở Giao thông vận tải, nhiều công trình giao thông được hoàn thành, từng bước đánh dấu sự phát triển và thay đổi diện mạo TP.HCM như hệ thống trục đường Bắc - Nam với nhiều cầu lớn (cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Tân Thuận 2, cầu Khánh Hội...); hệ thống trục đường Đông - Tây với các tuyến chính như đường Trường Chinh, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13... Từ đó, giao thông được kết nối và tạo sự phát triển nhanh dọc hai bờ sông Sài Gòn.

Thành phố thông minh có 4 cấu phần. Cấu phần 1 là khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu mẫu đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung. Cấu phần 2 là xây dựng Trung tâm điều hành, chỉ huy đặt ở UBND Thành phố. Cấu phần 3 là Trung tâm Dự báo và Mô phỏng phát triển kinh tế - xã hội. Cấu phần 4 là Trung tâm An ninh - An toàn mạng.

Một số công trình lớn khác góp phần tô đậm dấu ấn của TP.HCM 46 năm sau giải phóng như: Đại lộ Đông Tây dài gần 22 km, sau được đổi tên thành đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, đoạn nối là hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) dài gần 1,5 km, rộng hơn 33 m và cao gần 9 m với hai chiều xe, mỗi chiều có 3 làn xe, là công trình hầm quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện tại; đại lộ Phạm Văn Đồng (12 làn xe) nối liền Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức trước đây, nay là trục xương sống cho TP. Thủ Đức cất cánh.

Để giao thông thông suốt, TP.HCM đã đưa vào sử dụng các cầu vượt thép nút giao Hàng Xanh, Thủ Đức, Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Hoàng Văn Thụ - Trường Sơn - Cộng Hòa, 3 tháng 2 - Lý Thái Tổ, vòng xoay Cây Gõ, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, cầu vượt Trường Sơn (trước Sân bay Tân Sơn Nhất)...

Trong tương lai gần, TP. Thủ Đức sẽ hình thành những đô thị với chức năng cụ thể: khu công nghệ cao - giáo dục, khu tài chính - ngân hàng, khu đại đô thị, thương mại. “Do đó, có thể nói, TP. Thủ Đức sẽ phát huy những tinh hoa, lợi thế để giúp TP.HCM vươn cao, bay xa so với các thành phố khác trong khu vực”, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Xây dựng thành phố thông minh

Không nằm ngoài xu thế phát triển đô thị của tương lai dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, TP.HCM đang gấp rút triển khai xây dựng thành phố thông minh. Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thành phố thông minh có 4 cấu phần trọng tâm. Cấu phần 1 là khai thác kho dữ liệu dùng chung và hệ dữ liệu mẫu được đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung. Cấu phần thứ hai là xây dựng Trung tâm điều hành, chỉ huy được đặt ở UBND Thành phố. Cấu phần thứ ba là Trung tâm Dự báo và Mô phỏng phát triển kinh tế - xã hội. Cấu phần thứ tư là Trung tâm An ninh - An toàn mạng.

Từ đó, TP.HCM xác định, Quận 1 và Quận 12 là hai địa phương thí điểm đô thị thông minh đầu tiên của Thành phố. Các quận, huyện còn lại đang gấp rút triển khai và rút kinh nghiệm từ 2 quận thí điểm.

Cùng với đó, các sở, ngành đều chủ động triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, Công an Thành phố triển khai Trung tâm điều hành chỉ huy, Sở Giao thông vận tải triển khai Trung tâm điều hành giao thông thông minh, Sở Y tế xây dựng bệnh án điện tử…

Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - nhận định: “Việc xây dựng thành phố thông minh là vô cùng cần thiết, bởi những thành phố phát triển hàng đầu thế giới cũng bắt đầu từ thành phố thông minh, điển hình như: Paris, Tokyo, Singapore, Toronto, Seoul… Việc ứng dụng các thành tựu của thời đại mới giúp TP.HCM phát triển đúng với tiềm năng của mình, thực hiện hiệu quả hơn vai trò phụng sự nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở TP.HCM. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ TP.HCM sớm thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. TP.HCM đã được lựa chọn để thí điểm những mô hình tiên tiến nhất, để có thể tương xứng với vị thế đầu tàu của nền kinh tế. Đây là dấu mốc quan trọng mà TP.HCM sẽ nắm bắt để bứt phá thần tốc trong những năm tới.

Tin cùng chuyên mục