Các KCX, KCN tại TP.HCM đã thu hút được 80 triệu USD vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Tất Tiên |
Vốn ngoại lấn át vốn nội
Trong 128 triệu USD vốn đầu tư thu hút được vào các KCX, KCN của TP.HCM trong khoảng 2 tháng qua, vốn ngoại vẫn tiếp tục dẫn đầu với 80 triệu USD; 48 triệu USD, tương đương 1.077,7 tỷ đồng còn lại thuộc về vốn nội. Theo ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Ban quản lý các KCX, KCN TP.HCM, trong 80 triệu USD nói trên, có 2 dự án cấp mới chiếm 35,6 triệu USD, 7 dự án điều chỉnh tăng thêm chiếm 44,4 triệu USD.
Ở lĩnh vực cấp mới, tiêu biểu có dự án đầu tư của Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam với số vốn đầu tư là 35,5 triệu USD; ở lĩnh vực điều chỉnh tăng thêm, có dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts (Vietnam) với số vốn tăng thêm 30 triệu USD. Cả hai dự án trên đều đến từ Nhật Bản, chuyên về công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Trưởng ban Ban quản lý các KCX, KCN TP.HCM cho biết, mới đây nhất, ngày 16/2/2016, cơ quan này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Hệ thống kho hàng Bình Tây của Công ty CP thực phẩm Bình Tây tại KCN Hiệp Phước, với diện tích kho là 22.700 m2 trên toàn bộ diện tích đất 3,8 ha.
Nhờ tận dụng được lợi thế của KCN Hiệp Phước về hệ thống cảng biển trong nội khu, kết nối giao thông thủy, bộ về trung tâm Thành phố, cũng như khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ nên dự án trên đang hứa hẹn sẽ giúp cho công ty này tạo một cú hích trong việc lưu trữ, lấy đó làm bàn đạp để phân phối hàng hóa đi các khu vực kế cận.
Thu hút vốn vào lĩnh vực kỹ thuật cao
Tuy tổng vốn đầu tư đã thu hút được trong 2 tháng qua đạt hơn 18,3% kế hoạch cả năm, nhưng theo ông Vũ Văn Hòa, cũng có thể kỳ vọng và dự báo tình hình chung cho cả năm 2016 đối với các KCN, KCX TP.HCM là rất khả quan. Bởi lẽ, ngoài việc thu hút đầu tư đúng hướng, đúng ngành nghề mà Thành phố mong đợi, thì số lượng dự án xin điều chỉnh tăng vốn, nhất là các dự án FDI có chiều hướng gia tăng cả về vốn lẫn số lượng dự án. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả và muốn gắn bó làm ăn lâu dài ở TP.HCM.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay, định hướng phát triển KCX, KCN của TP.HCM chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các ngành cơ khí, điện - điện tử và hóa chất. Trong 17 KCX, KCN hiện hữu tại TP.HCM, chỉ còn KCN Cơ khí ô tô, KCN Tân Phú Trung, KCN An Hạ, KCN Hiệp Phước có tỷ lệ đất cho thuê còn tương đối nhiều, khoảng từ 70% - 85%, số còn lại hầu như đã lấp đầy hoặc còn rất ít, không quá 15% diện tích.
“Trong quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010 có tính đến năm 2020 xác định quỹ đất KCX, KCN tập trung là 7.000 ha, trong đó đã khai thác 4.000 ha, diện tích đất còn lại là 3.000 ha. Nghĩa là, quỹ đất của các KCX, KCN cũng còn tương đối dồi dào. Nền kinh tế nội địa Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng nhanh và bây giờ chính là thời điểm lý tưởng để đầu tư”, ông Vũ Văn Hòa nhận định.