TP.HCM làm mới động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nắm vai trò là “đầu tàu” tăng trưởng, kinh tế TP.HCM đang đối diện nhiều thách thức do thiếu động lực tăng trưởng, gia tăng các vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập lụt… Chất lượng tăng trưởng có dấu hiệu sụt giảm, kém cạnh tranh so với một số địa phương lân cận. Trong bối cảnh đó, việc chuyển đổi xanh được lãnh đạo TP.HCM xác định là động lực tăng trưởng mới với mục tiêu đóng góp xứng đáng cho kinh tế đất nước, giúp doanh nghiệp (DN) tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều dự án trọng điểm của TP.HCM đang hướng tới giá trị bền vững, thân thiện môi trường. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều dự án trọng điểm của TP.HCM đang hướng tới giá trị bền vững, thân thiện môi trường. Ảnh: Tiên Giang

Thời điểm thích hợp thúc đẩy kinh tế xanh

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, TP.HCM có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng cũng là địa phương có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% lượng phát thải của cả nước). Về cơ bản, kinh tế Thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa, công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ, song còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Trong bối cảnh hiện tại, TP.HCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhất là khi đang triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng Thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư, du khách. Khung chiến lược xác định người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột: phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

“Thành phố cam kết huy động các nguồn lực đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng hệ thống giao thông công cộng, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên…”, ông Nên cho biết.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8/2023 đã mở ra một số cơ chế đặc thù hỗ trợ TP.HCM trong quá trình chuyển đổi xanh. Trong đó, Thành phố được phát triển điện áp mái tại các nhà trụ sở công; thu hút nhà đầu tư chiến lược trong dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; thí điểm cơ chế tài chính trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon…

TP.HCM đang thực hiện thí điểm chương trình xây dựng khu vực Cần Giờ trở thành khu đô thị tiêu biểu net-zero (trung hòa carbon) đến năm 2030. Điều này được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố sau thời gian trì trệ. Loạt dự án trọng điểm của Thành phố đang hướng tới giá trị bền vững, thân thiện môi trường như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu Ramsar Cần Giờ, Cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Cải tạo rạch Xuyên Tâm, Vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2), mạng lưới metro…

“Tấm hộ chiếu xanh” của doanh nghiệp

Từ cam kết của lãnh đạo TP.HCM về việc triển khai các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng xanh, cộng đồng DN sẽ được tạo môi trường và cơ hội thuận lợi để cùng chung tay trên hành trình này. UBND TP.HCM xác định, DN là lực lượng quyết định thành công của chuyển đổi xanh. Các giải pháp tại chiến lược phát triển xanh của Thành phố sẽ hướng đến hỗ trợ DN tiếp cận tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển bền vững.

TP.HCM hiện phát thải khoảng 57,6 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó, 93,6% từ lĩnh vực năng lượng cố định (57,4%) và giao thông (36,2%). Chiếm phần lớn trong năng lượng cố định là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng (45,71%), tòa nhà dân cư (30,75%), trung tâm thương mại (18,98%) và các nguồn khác (4,56%). Với Quyết định số 3273/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn, UBND TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), chuyển đổi xanh sẽ trang bị cho các DN "tấm hộ chiếu xanh" để kết nối toàn cầu, giúp DN vượt qua các rào cản xanh, vươn mình mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ thống Saigon Co.op từ nhiều năm nay luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện dịch vụ, đồng thời luôn nỗ lực đưa tiêu chí thân thiện môi trường đến với mọi khách hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu, điều kiện sống còn, tương lai bền vững của DN. DN bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập thị trường toàn cầu. Hiện TP.HCM có 90 DN đạt đầy đủ các tiêu chí để xử lý toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị; sản phẩm thân thiện môi trường; áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu thân thiện môi trường; có đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị và cộng đồng, nâng cao nhận thức của người lao động; có các dự án bảo vệ môi trường...

TS. Trần Du Lịch khẳng định, với mục tiêu xây dựng TP.HCM thành thành phố tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích DN phát hành trái phiếu DN xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.