Tranh thủ thời gian vàng để bứt phá, vượt lên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng khoảng thời gian vàng là các tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021 để bứt phá, vượt lên bởi vì nhiều quốc gia đang và sẽ bị cuốn trong vòng xoáy của dịch bệnh, nợ công… Để không bỏ lỡ cơ hội, những chính sách sáng suốt, mạnh mẽ, giải quyết những vấn đề nền tảng, tạo động năng cho tăng trưởng là đặc biệt cần thiết.
Nền tảng vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP dương, lạm phát dưới 4% là những điều kiện thuận lợi để sớm phục hồi, xây dựng động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Nền tảng vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP dương, lạm phát dưới 4% là những điều kiện thuận lợi để sớm phục hồi, xây dựng động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội từ khủng hoảng

Theo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ với tổng giá trị trên 14.000 tỷ USD. Còn theo những số liệu từ Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN và một số quốc gia đang phát triển khác, đối thủ trực tiếp của Việt Nam trên chặng đua phát triển kinh tế, cũng tung ra những gói cứu trợ lớn trị giá hàng chục đến hàng trăm tỷ USD.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (Massei) nhận định, việc tung ra các gói cứu trợ lớn chắc chắn sẽ dồn gánh nặng nợ công trong các năm tiếp theo, do đó các chính phủ sẽ phải giảm chi tiêu, tăng thuế... Các quốc gia ở thời điểm hiện tại sử dụng quá nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, có thể phát triển chậm trong tương lai.

Trong đó, tăng đầu tư công là giải pháp mà nhiều nước áp dụng, dẫn đến tăng áp lực lên nợ công. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, Việt Nam may mắn khi trong một năm khó khăn lại còn một phần vốn rất lớn dồn từ các năm trước chưa giải ngân được chuyển sang. Vì thế, dù dành nhiều nguồn lực cho đầu tư công nhưng áp lực lên nợ công cũng không quá lớn.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn giữ tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm 2020 và đó là lợi thế rất lớn. Bên cạnh đó, theo ông Minh, hiện nay nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 4% là kết quả của chính sách coi ổn định vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được duy trì từ năm 2012. Vì thế, Chính phủ có nhiều dư địa để điều hành.

Không vì dịch bệnh mà trì hoãn các cải cách nền tảng

Ông Minh khuyến nghị, Chính phủ nên tập trung hỗ trợ các yếu tố nền tảng, tăng động năng của nền kinh tế trong năm 2021 để kinh tế Việt Nam tranh thủ vượt lên xa trong chặng đua phát triển. Đầu tiên là cải cách chính sách thuế, thay vì hỗ trợ ngắn hạn sang dài hạn. Thứ hai là đẩy mạnh mở rộng khu vực kinh tế tư nhân với giải pháp quan trọng cần tập trung thực hiện trong năm 2021 là cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng. Yếu tố nền tảng quan trọng thứ ba theo ông Minh là phải thị trường hóa việc cung ứng dịch vụ công, dịch vụ công bền vững, hiệu quả sẽ giúp chống chịu được sức ép trong khủng hoảng, giảm trông chờ ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng của VEPR cũng nhấn mạnh đến việc tận dụng mọi cơ hội có được từ khủng hoảng. Nhóm nghiên cứu của VEPR cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị phải hỗ trợ cho người chiến thắng, cho những doanh nghiệp lớn có tác động lan tỏa, những doanh nghiệp có hướng chuyển đổi hiệu quả và tiềm năng phát triển.

Theo ông Thành, Việt Nam đang có cơ hội, phải tập trung để bước ra khỏi khủng hoảng nhanh hơn. Những mục tiêu của Việt Nam vào năm 2030 trở thành nước thu nhập trung bình cao và năm 2045 thành nước thu nhập cao có thể đạt được, nhưng không dễ nếu không có một cuộc cải cách, thay đổi cấu trúc nền kinh tế lớn. Điều này đòi hỏi Chính phủ ngay từ lúc này cần sáng suốt, mạnh mẽ, không vì bệnh dịch mà trì hoãn các cải cách nền tảng. Từ đó, duy trì đà tăng trưởng cao liên tục, tạo ra các động năng đủ lực bứt phá, vượt lên bẫy thu nhập trung bình.

Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, quá trình phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế suy thoái là rất khó khăn, cần rất nhiều thời gian (khoảng từ 3 - 4 năm sau khi kết thúc dịch), tốn rất nhiều chi phí cũng như có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, kéo theo ảnh hưởng dây chuyền đến việc phát triển kinh tế - xã hội các năm sau. Do vậy, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 ngoài việc phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, cần có thêm nguồn lực để đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, góp phần sớm phục hồi nền kinh tế sau khi dịch được khống chế.