Triển khai 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu tại TP.HCM: Cơ hội lớn cho nhà đầu tư, nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 5 dự án BOT trên tuyến hiện hữu vừa được TP.HCM thông qua đã được đánh giá chi tiết từ nhiều tiêu chí. Ngoài các tiêu chí về tính chất, vai trò quan trọng của tuyến đường, tiêu chí liên quan đến tính khả thi, phương án tài chính, khả năng huy động vốn tư nhân cũng như khả năng cân đối vốn ngân sách đã được TP.HCM làm rõ, từ đó đong đếm được sức hấp dẫn cụ thể của từng dự án đối với các nhà đầu tư.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) được triển khai sẽ góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này. Ảnh: Tiên Giang
Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) được triển khai sẽ góp phần giải quyết tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này. Ảnh: Tiên Giang

Cụ thể, 5 dự án gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành); Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).

Theo tờ trình của UBND TP.HCM, 5 dự án nêu trên có tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Các dự án được ưu tiên để đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT - một trong những cơ chế được Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, 3 tiêu chí liên quan đến việc huy động nguồn vốn cho 5 dự án đều được đánh giá đạt. Đối với tiêu chí khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư, có 3 dự án có chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư sơ bộ chiếm tỷ trọng >50% tổng mức đầu tư (TMĐT), tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư >30% TMĐT của dự án. Cụ thể, Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 có chi phí GPMB dự kiến 6.800 tỷ đồng, tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50%; Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 có chi phí GPMB dự kiến 7.700 tỷ đồng, tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50%; Dự án Xây dựng cầu đường Bình Tiên có chi phí GPMB dự kiến 3.336 tỷ đồng, tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 46%. Có 2 dự án có chi phí GPMB <50% TMĐT, tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư ≥ 50% TMĐT là Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (GPMB dự kiến 2.409 tỷ đồng, tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50%) và Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư là 50%).

“Với việc ngân sách Thành phố sẽ gánh phần chi phí GPMB, tái định cư, các dự án đã xác định tỷ lệ vốn từ nhà đầu tư rất rõ, giảm rủi ro cho nhà đầu tư. 5 dự án cửa ngõ có mật độ lưu thông, kết nối dày đặc này sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư mạnh trong lĩnh vực hạ tầng”, ông Lâm kỳ vọng.

Để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý, cần ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Thành phố. Theo đó, 5 dự án sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và giai đoạn trung hạn 2026 - 2030. Riêng giai đoạn từ 2023 - 2025, TP.HCM dự kiến bố trí 8.360 tỷ đồng cho 5 dự án này.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Thành phố đã có kinh nghiệm triển khai các dự án BOT trên tuyến, đây là hình thức giúp tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội, tăng cường hạ tầng. Đồng thời, các dự án đã giúp khu vực tư nhân phát triển, tận dụng được nhiều cơ hội đầu tư. TP.HCM đã triển khai 5 dự án BOT với tổng mức đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng, gồm các dự án: Xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 1), đã hoàn tất thu phí hoàn vốn; Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 (đoạn An Sương - An Lạc) và Dự án Xây dựng cầu Phú Mỹ đang triển khai thu giá dịch vụ để hoàn vốn; Dự án Mở rộng xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 đã tiến hành ký hợp đồng BOT. Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu đang hoàn tất các thủ tục về giá dịch vụ sử dụng đường bộ.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, các dự án BOT trên tuyến hiện hữu là cơ hội lớn cho TP.HCM cũng như cộng đồng nhà đầu tư, nhà thầu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. “Nghị quyết chỉ có thời gian triển khai 3 năm, Thành phố và nhà đầu tư cần tận dụng nhanh, hiệu quả để hiện thực hóa các dự án, giúp cải thiện hạ tầng và tăng sức cạnh tranh cho chính các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng. Do đó, TP.HCM cần ưu tiên vốn công dẫn dắt vốn tư nhân, để 5 dự án trở thành hình mẫu cho hình thức PPP linh hoạt này”, ông Lịch khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục