Triển khai tên lửa đạn đạo, Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn đến Trump

Với tầm bắn lên đến 14.000 km, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được cho là triển khai gần biên giới Nga không phải là mối đe dọa với Moscow mà là một thông điệp chính trị gửi tới chính quyền mới của Mỹ.
Các Tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc. Ảnh:Sputnik
Các Tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-41 của Trung Quốc. Ảnh:Sputnik

Những hình ảnh bị hé lộ trên các trang web Trung Quốc đại lục cho thấy dường như nước này đã triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân DF-41 tại tỉnh phía bắc Hắc Long Giang, gần biên gới với Nga, Global Times ngày 23/1 dẫn nguồn tin từ các phương tiện truyền thông Hong Kong và Đài Loan cho biết.

Chuyên gia quân sự Vasily Kashin, thuộc viện Chiến lược Moscow cho rằng hành động này có thể là một thông điệp mang tính răn đe của chính quyền Bắc Kinh gửi tới tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi nó được triển khai trong một thời điểm đầy nhạy cảm.

Theo ông Kashin, những bức ảnh chụp loại tên lửa này tại thành phố Đại Khánh, thuộc tỉnh Hắc Long Giang đã xuất hiện trên các diễn đàn và trang web quân sự Trung Quốc của từ cuối tháng 12/2026, nhưng không được đăng tải trên những phương tiện truyền thông nhà nước chính thức.

Việc Global Times, một ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đưa tin về sự việc này ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức cho thấy ý đồ muốn truyền đi thông điệp khẳng định sức mạnh của Trung Quốc.

"Trong khi việc nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo DF-41 đã được tiến hành từ nhiều năm qua, Trung Quốc lại công bố thông tin về nó ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump. Đây là một thông điệp cứng rắn mà Bắc Kinh muốn gửi tới Washington", ông Kashin nhận định.

Trung Quốc phóng thử tên lửa đạn đạo DF-41 

Tháng 4/2016, chính quyền Bắc Kinh cũng tiến hành phóng thử tên lửa DF-41 ngay trước thời điểm bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khi đó thực hiện chuyến thị sát Biển Đông trên tàu sân bay USS John C. Stennis.

Thực tế này càng khẳng định "thói quen" muốn truyền đi thông điệp răn đe của Trung Quốc mỗi khi Mỹ có những sự kiện chính trị quan trọng hoặc động thái quân sự mà Bắc Kinh coi là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Ngoài ra, chuyên gia Nga phân tích rằng sự hiện diện của tên lửa DF-41 tại tỉnh Hắc Long Giang không phải là mối đe dọa với Moscow bởi từ lâu nhiều tỉnh thành của Nga đã nằm trong phạm vi tấn công của các tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc, ngày càng được cải tiến về độ chính xác và khả năng xuyên thủng những hệ thống đánh chặn.

Phản ứng trước thông tin về tên lửa Trung Quốc, điện Kremlin cũng cho rằng Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga về kinh tế và chính trị. Chắc chắn, hành động của quân đội Trung Quốc, nếu bài báo được xác minh là đúng, không bị coi là mối đe doạ với nước Nga.

Trong khi đó Global Times, khi đăng tải lại những hình ảnh về DF-41, tuyên bố rằng loại tên lửa có khả năng mang từ 10-12 đầu đạn hạt nhân này có thể giúp Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào bất cứ mục tiêu nào trên toàn cầu.

"Với tầm bắn lên đến 14.000 km, rõ ràng mục tiêu chính mà các tên lửa Trung Quốc nhắm đến là bờ Đông của Mỹ. Thế hệ tên lửa đạn đạo sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) này chắc chắn sẽ kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền Washington", chuyên gia Kashin nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục