Triển vọng tăng trưởng quý IV/2022: nhận diện rủi ro, thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kim ngạch xuất nhập khẩu có thể đạt 735 tỷ USD trong năm nay, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp lớn khả quan. Điều này “đồng điệu” với đánh giá lạc quan của các tổ chức nghiên cứu về triển vọng tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Trong khi đó, vẫn còn nhiều quan ngại về thách thức từ nhu cầu thị trường, bất ổn thị trường tài chính.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nhiều yếu tố tích cực

Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, từ đầu năm đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 585 tỷ USD; trong đó, xuất siêu hơn 7 tỷ USD.

Báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỷ USD, tăng 15%; xuất siêu 6,76 tỷ USD. Cả năm dự báo đạt 735 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 368 tỷ USD, là năm thứ 7 liên tiếp xuất siêu.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi Quốc hội báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Trong đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu một số điểm tích cực về kinh tế năm 2022. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, đặc biệt phục hồi mạnh mẽ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại trong 9 tháng năm 2022 là hơn 163 nghìn doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn cùng kỳ từ trước đến nay, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ góc độ doanh nghiệp, Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 vừa được một số doanh nghiệp công bố cho thấy đà tăng trưởng ấn tượng. Đơn cử, doanh thu thuần trong quý của Công ty CP Vĩnh Hoàn đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 46% và lãi sau thuế đạt 460 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong lĩnh vực thủy sản, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III của Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre cho thấy, lợi nhuận trước thuế trong 3 quý đầu năm của doanh nghiệp này đạt hơn 55,8 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, trong lĩnh vực hóa chất, Công ty CP Hóa chất Đức Giang có lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm nay tăng 339% so với cùng kỳ năm trước.

Về phân bón, Công ty CP DAP - Vinachem có lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm tăng 134% so cùng kỳ năm 2021, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong lĩnh vực dệt may, 6 tháng đầu năm 2022, Vinatex đã hoàn thành kết quả kinh doanh cả năm. Theo đó, doanh thu đạt 10.251 tỷ đồng tăng 37,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất đạt 982 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch cả năm, tăng 56% so cùng kỳ.

Những thông tin nói trên phản ánh cùng gam màu tươi sáng với dự báo của các tổ chức nghiên cứu về triển vọng kinh tế Việt Nam. Tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định sự hồi phục kinh tế của Việt Nam vẫn còn mạnh mẽ dù vẫn có một số thách thức nhất định.

Báo cáo vừa công bố giữa tháng 10, Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023, sau khi mức tăng trưởng trong quý III đạt 13,7%. Ngân hàng này dự kiến, tăng trưởng GDP quý IV/2022 của Việt Nam sẽ đạt 4%.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Nhìn nhận rõ thách thức và rủi ro

Dù đánh giá tích cực về kinh tế năm 2022 song nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều điểm đáng lưu tâm. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần làm rõ nhận định “dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc” khi dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây, cùng với đó, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục dự báo còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, công nghiệp hỗ trợ, mức độ liên kết doanh nghiệp nội ngành, liên ngành và liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Nhận định tại Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10, WB cho rằng: “Mặc dù nền kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, nhưng những bất định gia tăng liên quan đến nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, lạm phát trong nước gia tăng, điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt cho thấy cần tăng cường cảnh giác và linh hoạt về chính sách”.

WB khuyến nghị, trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, cần tiếp tục các chính sách tài khóa chủ động hỗ trợ nền kinh tế trên cơ sở phù hợp với kết quả kinh tế và phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ.

Cùng quan điểm, Báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng nêu những lo ngại về vấn đề áp lực lạm phát cao, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt và việc gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu của VNDIRECT duy trì quan điểm rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt đỉnh trong quý III và sẽ chậm lại trong quý IV do nhu cầu bên ngoài suy yếu và quán tính tăng trưởng nhờ mở cửa trở lại nền kinh tế chậm dần.

Tin cùng chuyên mục