Bản tin thời sự sáng 13/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá bán lẻ điện sinh hoạt dự kiến cao nhất gần 3.800 đồng một kWh; đề xuất hỗ trợ sinh trắc học cho người hưởng lương hưu qua tài khoản; sẽ bổ sung chuyến cho các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ trên 90%; Huế mời đầu tư dự án nhà xã hội gần 1.800 tỷ đồng…

Giá bán lẻ điện sinh hoạt dự kiến cao nhất gần 3.800 đồng một kWh

Cách tính tiền điện sinh hoạt dự kiến được rút xuống còn 5 bậc và giá điện ở bậc cao nhất (701 kWh trở lên) là gần 3.800 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT.

Công nhân Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ

Công nhân Điện lực Hà Nội làm việc tại trạm biến áp đường Láng Hạ

Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Cụ thể, 5 bậc thang tính giá điện mới dự kiến bao gồm bậc 1 là 100 kWh đầu tiên; bậc 2 là 101 - 200 kWh tiếp theo; bậc 3 là 201 - 400 kWh tiếp theo; bậc 4 là 401 - 700 kWh tiếp theo và bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Với phương án đề xuất này, bậc có giá thấp nhất cho hộ gia đình dùng là 100 kWh trở xuống, thay vì 50 kWh như hiện nay, còn bậc cao nhất tính từ 701 kWh trở lên. Cơ cấu giá điện bậc thang tính theo giá bán lẻ điện bình quân (2.006,79 đồng/kWh) lần lượt là 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 136% (bậc 3), 162% (bậc 4) và 180% (bậc 5).

Như vậy, giá thấp nhất là bậc 1 vẫn giữ nguyên 1.893 đồng/kWh và cao nhất là bậc 5 là 3.786 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT.

Dự thảo lần này được giữ nguyên như phương án được Bộ Công Thương từng đưa ra hồi đầu tháng 3/2024. Theo cơ quan quản lý, trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được thiết kế lại nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng như đảm bảo hạn chế tác động tới hộ sử dụng điện.

Cụ thể, Bộ đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu 0 - 100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (đang chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện sẽ được bù đắp từ hộ sử dụng điện trong khoảng 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.

Bộ cũng đề xuất giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc 101 - 200 kWh và 201 - 300 kWh. Với giá điện cho các bậc 401 - 700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung nhóm khách hàng là trạm, trụ sạc xe điện. Bộ kiến nghị xem xét lựa chọn phương án xây dựng biểu giá bán điện mới dành cho nhóm khách hàng này.

Đề xuất hỗ trợ sinh trắc học cho người hưởng lương hưu qua tài khoản

Nhiều người nhận lương hưu, trợ cấp qua tài khoản cá nhân hiện gặp khó với việc cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Cơ quan bảo hiểm vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ giải quyết vấn đề này.

Đề xuất hỗ trợ sinh trắc học cho người hưởng lương hưu qua tài khoản

Đề xuất hỗ trợ sinh trắc học cho người hưởng lương hưu qua tài khoản

Vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin người già, người tàn tật gặp khó khăn trong việc nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Lý do là từ 1/1, chủ tài khoản ngân hàng phải thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học và dùng điện thoại chính chủ mới được rút tiền qua thẻ ngân hàng.

Về vấn đề này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị hỗ trợ người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân thực hiện đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng, cơ quan này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại sớm thực hiện việc tích hợp triển khai dịch vụ xác thực qua ứng dụng VneID.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phối hợp hỗ trợ người hưởng các chế độ qua tài khoản cá nhân, đặc biệt là người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng, thực hiện đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học để giao dịch thuận lợi, không bị gián đoạn.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng dự định đẩy mạnh truyền thông để người hưởng biết được những quy định về sinh trắc học của các hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê của cơ quan này, cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đang tiến hành chi trả lương hưu và trợ cấp hàng tháng qua hai hình thức chính là tài khoản ngân hàng cá nhân (ATM) và tiền mặt.

Trong đó, về việc chi trả tiền mặt, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện tại các điểm chi trả. Với người già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đi đến điểm chi tiền, cơ quan thực hiện nhiệm vụ chi trả phải đưa đến tận nhà.

Tính riêng tại khu vực đô thị, đến hết năm 2024 có khoảng 80% số người hưởng nhận các chế độ qua tài khoản cá nhân.

Việc thực hiện chi chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng qua tài khoản cá nhân trên toàn quốc có sự phát triển vượt bậc, từ 40% (tháng 3/2024) lên 77,7% (tính đến ngày 30/12/2024).

Sẽ bổ sung chuyến cho các đường bay có tỉ lệ đặt chỗ trên 90%

Cục Hàng không Việt Nam đang cùng các hãng nghiên cứu, triển khai bổ sung tăng chuyến bay đối với các đường bay hiện có tỷ lệ đặt chỗ cao, đặc biệt với các đường bay có tỉ lệ đặt chỗ đã trên 90%.

Máy bay của các hãng xếp hàng tại sân bay Nội Bài

Máy bay của các hãng xếp hàng tại sân bay Nội Bài

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 10/1, so với tuần trước (3/1), các hãng hàng không Việt Nam đã bổ sung 522 chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán 2025, tương đương lượng ghế cung ứng tăng khoảng 133 nghìn ghế trên các đường bay nội địa.

Các chuyến bay tập trung vào các chặng từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung trong giai đoạn từ 22/1/2025 đến 8/2/2025 như: chặng TP.HCM - Ban Mê Thuột tăng 26 chuyến, chặng TP.HCM - Quy Nhơn tăng thêm 37 chuyến, chặng TP.HCM - Thanh Hóa tăng thêm 32 chuyến, TP.HCM - Chu Lai tăng 34 chuyến…

Mặc dù được bổ sung thêm nhiều chuyến bay, tuy nhiên nhiều đường bay từ TP.HCM đến các địa phương cũng đang nhanh chóng được lấp đầy trong các ngày sát Tết và tại chiều ngược lại trong giai đoạn sau Tết.

Nhiều chặng đã tiếp tục có tỉ lệ đặt chỗ đạt 100% như: Hà Nội đi Buôn Mê Thuột (100%); TP.HCM đi Huế/Pleiku/Tuy Hòa/Quy Nhơn/Buôn Mê Thuột/Quảng Bình/Thanh Hóa/Vinh/Chu Lai/Quy Nhơn/Nha Trang/Huế (100%).

Đối với các đường bay trục như TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy trong giai đoạn từ 25/1/2025 đến 2/2/2025 (tức 26 tháng Chạp tới mùng 5 tháng Giêng âm lịch) đang tăng lên nhanh chóng, nhất là trên chặng TP.HCM - Hà Nội/Đà Nẵng một số ngày cận Tết đã xuất hiện tỷ lệ cao trên 90%.

Để đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025, Cục Hàng không Việt Nam đang cùng các hãng hàng không Việt Nam nghiên cứu, triển khai bổ sung tăng chuyến bay đối với các đường bay hiện có tỷ lệ đặt chỗ cao, đặc biệt với các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ đã trên 90%; đồng thời tiếp tục triển khai việc khai thác các chuyến bay đêm, trên cơ sở phù hợp với năng lực của các hãng, điều kiện hạ tầng cảng hàng không và bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh trong quá trình khai thác.

Huế mời đầu tư dự án nhà xã hội gần 1.800 tỷ đồng

Khu nhà ở xã hội phường Hương Sơ, quận Phú Xuân có quy mô vốn gần 1.800 tỷ đồng đang tìm nhà đầu tư.

Khu nhà ở xã hội phường Hương Sơ, quận Phú Xuân có quy mô vốn gần 1.800 tỷ đồng

Khu nhà ở xã hội phường Hương Sơ, quận Phú Xuân có quy mô vốn gần 1.800 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Huế vừa công bố danh mục dự án có sử dụng đất và mời gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện Khu nhà ở xã hội phường Hương Sơ, quận Phú Xuân.

Khu đất triển khai Dự án có diện tích gần 40.400 m2, gồm 2 ô đất ký hiệu NOXH1 và NOXH2. Tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư tối thiểu 20%.

Khu nhà ở xã hội hoạt động 50 năm. Tiến độ triển khai không quá 42 tháng kể từ thời điểm được giao đất. Sau khi hoàn thành, Dự án dự kiến cung cấp gần 1.600 căn chung cư, đáp ứng nhu cầu hơn 3.900 người.

Trước đó, Sở Xây dựng cho biết, quý I năm nay sẽ có một dự án nhà ở xã hội được khởi công. Đó là Dự án ở khu đất XH1 khu C - đô thị mới An Vân Dương với diện tích gần 32.000 m2, tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng.

TP. Huế đặt mục tiêu hoàn thành 7.700 căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Trong đó, khoảng 3.100 căn hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, còn lại 4.600 căn hoàn thành trong 5 năm tiếp theo.

Giá gạo xuất khẩu xuống thấp nhất 4 năm

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu giảm xuống 434 USD một tấn, thấp nhất 4 năm, khiến giá lúa trong nước cũng đi xuống, gây khó cho doanh nghiệp, nông dân.

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân

Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, từ cuối năm 2024 đến nay, giá gạo 5% tấm liên tục giảm từ 624 USD một tấn xuống còn 434 USD - thấp nhất từ năm 2021. Với giá này, Việt Nam là quốc gia có giá gạo rẻ nhất trong top 4 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan. Giá gạo 5% của các quốc gia trên lần lượt là 479 USD, 440 USD và 448 USD một tấn.

Giá gạo xuất khẩu lao dốc khiến giá lúa tháng 1 cũng giảm liên tục. Lúa thường tại ruộng có giá bình quân hơn 6.400 đồng một kg, giảm gần 300 đồng so với cuối tháng 12/2024; lúa thường tại kho bình quân 7.400 đồng một kg, giảm hơn 400 đồng.

Lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang cho biết, doanh nghiệp đang hoàn tất các hợp đồng đã ký trước đó. Còn các hợp đồng cho lúa gạo cuối quý I, II năm 2025 đang trì hoãn vì chưa thu mua gạo mới từ nông dân. Mặt khác, giá gạo biến động liên tục nên doanh nghiệp lo lỗ nếu mua lúa với giá cao.

Nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm sâu đến từ nhiều yếu tố, trong đó có việc các quốc gia nhập khẩu gạo lớn nghiên cứu chính sách tiết kiệm, tránh nhập giá cao, thậm chí tuyên bố không mua gạo năm 2025.

Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho rằng, năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu, giúp tồn kho đảm bảo trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên họ chưa vội mua lúc này và đang chờ giá xuống.

Sắp tới, khi vụ Đông Xuân 2024 - 2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Theo các doanh nghiệp, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cũng như thế giới có khả năng còn giảm sâu trong năm 2025, bởi áp lực gạo giá rẻ từ Ấn Độ. Gạo cấp thấp giảm mạnh có thể kéo phân khúc chất lượng cao, gạo thơm giảm theo, nhất là khi nguồn cung này được tăng cường.

TP.HCM chi gần 1.500 tỷ đồng chăm lo Tết cho người dân

Ngân sách chi hơn 908 tỷ đồng, các cấp công đoàn TP.HCM chi hơn 500 tỷ đồng để tặng quà, hỗ trợ tiền mặt, tặng vé xe… cho người dân khó khăn dịp Tết Ất Tỵ.

Cán bộ công đoàn ở TP.HCM lì xì cho con công nhân trên chuyến xe về quê đón Tết năm trước

Cán bộ công đoàn ở TP.HCM lì xì cho con công nhân trên chuyến xe về quê đón Tết năm trước

Thông tin được đại diện sở, ngành TP.HCM cho biết tại Chương trình Dân hỏi chính quyền trả lời với chủ đề Tết diễn ra do HĐND Thành phố chủ trì.

Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết năm nay ngân sách Thành phố sẽ chi 908 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người dân.

Cụ thể, Thành phố tặng hơn 325.000 suất quà, mỗi suất từ 1,3 - 3,1 triệu đồng với kinh phí hơn 423 tỷ đồng cho người có công; dành gần 236 tỷ đồng tặng 131.000 suất quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khoảng 190 tỷ đồng tặng quà cho cá nhân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo...

Ngoài ra, Thành phố còn hỗ trợ cho cựu tù chính trị, tù binh chưa được hưởng chế độ chính sách; hội viên cựu Thanh niên xung phong hoàn cảnh khó khăn; hộ giữ rừng Cần Giờ...

Bên cạnh nguồn từ ngân sách, các quận, huyện cũng vận động hơn 50 tỷ đồng, giúp đỡ hơn 90.000 người khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tăng Minh, tổng kinh phí dành cho hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ tăng hơn 47 tỷ đồng, tăng 5,5%, so với năm ngoái. Bên cạnh nguồn từ ngân sách Thành phố, các cấp công đoàn cũng dành kinh phí để hỗ trợ lao động.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tổng kinh phí chăm lo cho 500.000 đoàn viên là 500 tỷ đồng. Công đoàn cũng tổ chức các phiên chợ Tết để công nhân mua sắm, họp mặt 10.000 gia đình công nhân ở lại thành phố ăn Tết, tặng quà cho 5.000 lao động tự do...

Đà Lạt yêu cầu ngăn chặn nạn ép giá, chèo kéo du khách dịp Tết Nguyên đán

Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng ép giá, chèo kéo du khách, buôn bán thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ du khách.

Chợ đêm Đà Lạt đông nghẹt người vui chơi, mua sắm

Chợ đêm Đà Lạt đông nghẹt người vui chơi, mua sắm

UBND thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa ra chỉ thị yêu cầu các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn thực hiện kê khai và niêm yết giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Chính quyền thành phố Đà Lạt nhấn mạnh, việc không để xảy ra tình trạng ép giá, chèo kéo khách, gian lận trong kinh doanh, đồng thời đảm bảo chất lượng dịch vụ tương xứng với giá cả sản phẩm.

Chính quyền cũng yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh. Đồng thời, cần kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, thực phẩm kém chất lượng nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết.

UBND thành phố Đà Lạt đã chỉ đạo các phường, xã quản lý chặt chẽ các cơ sở chưa được công nhận là khu du lịch nhưng có kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán vé và thu phí của khách.

Công an thành phố Đà Lạt được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại các khu du lịch, điểm du lịch và khu vực công cộng.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, năm 2024, địa phương đã đón 10 triệu lượt khách du lịch, tăng 15,6% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 600.000 lượt, khách nội địa là 9,4 triệu lượt. Đa phần du khách đến Lâm Đồng đều trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Lạt.

Doanh thu từ du lịch của tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024 đạt 18.000 tỷ đồng, theo thống kê từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Tin cùng chuyên mục