Tên lửa KN-08 của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap |
Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên ngày 9/9 được đánh giá rất đáng ngại bởi nó thể hiện sự tiến bộ của Bình Nhưỡng trong việc làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử, đặc biệt là trong chương trình phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có thể đe dọa phần lớn lãnh thổ nước Mỹ, theo New York Times.
Các chuyên gia phân tích và quan chức quân sự Mỹ cho rằng Triều Tiên đang nhanh chóng hướng tới mục tiêu sản xuất mẫu tên lửa hạt nhân nhỏ, nhanh, nhẹ, có khả năng tấn công bất ngờ và đã có một số cuộc thử nghiệm thành công nhất định trong năm 2016.
"Tiến độ các cuộc thử nghiệm của Triều Tiên đã tăng lên đáng kể. Dường như họ đang cố tình khoe khả năng của mình bằng cách cho chúng ta thấy các bãi thử hạt nhân mà lẽ ra họ có thể che giấu. Đây là điều mà chúng ta không thể xem nhẹ và sẽ là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Mỹ kế tiếp", chuyên gia nghiên cứu về chương trình tên lửa Triều Tiên John Schilling khẳng định.
Các chuyên gia quân sự cho rằng đến năm 2020, Bình Nhưỡng có thể sở hữu công nghệ cần thiết để sản xuất được tên lửa liên lục địa đáng tin cậy, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân. Họ cũng dự đoán rằng tới khi đó Triều Tiên có thể tích lũy được đủ nguyên liệu hạt nhân để sản xuất 100 đầu đạn.
Báo cáo của Lầu Năm Góc hồi đầu năm đã cảnh báo Quốc hội Mỹ rằng một trong những tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, nếu được hoàn thiện, "sẽ có thể vươn tới phần lớn lục địa Mỹ".
Jeffrey Lewis, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California nhận định rằng những cuộc thử nghiệm gần đây cho thấy Triều Tiên có thể đã sở hữu những động cơ tên lửa rất mạnh mẽ.
"Điều đó có nghĩa rằng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên không chỉ vươn tới được Bờ Tây, mà còn có thể tấn công những mục tiêu trên khắp nước Mỹ, trong đó có cả thủ đô Washington", chuyên gia Lewis khẳng định.
Theo bình luận viên William J. Broad, khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức tháng 1/2009, Bình Nhưỡng đã triển khai được hàng trăm tên lửa tầm ngắn và tầm trung sử dụng động cơ mô phỏng thiết kế của Nga, và đã xuất khẩu hàng trăm vũ khí được trang bị đầu đạn thông thường sang các nước như Ai Cập, Iran và Syria.
Triều Tiên lúc đó cũng đang phát triển loại tên lửa mới có động cơ tiên tiến hơn nhiều. Các nhà phân tích tình báo phương Tây từng rất sửng sốt khi phát hiện ra rằng động cơ mới này có nguồn gốc từ R-27, một loại tên lửa nhỏ gọn mang đầu đạn hạt nhân được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô.
Loại động cơ này sau đó được phát triển để lắp đặt cho tên lửa Musudan và giúp cho tên lửa này có tầm bắn xa hơn nhờ lực đẩy mạnh. Các nhà phân tích cảnh báo đầu đạn của tên lửa Musudan có thể bay xa tới 4.320 km, đủ để vươn tới căn cứ của Mỹ ở Guam, nhưng chưa đạt được tầm bắn liên lục địa tối thiểu là 6.120 km.
Tại cuộc duyệt binh vào cuối năm 2010, Bình Nhưỡng lần đầu ra mắt tên lửa sử dụng động cơ R-27. Triều Tiên cũng sử dụng hai động cơ R-27 để trang bị cho tên lửa KN-08 có tầm bắn liên lục địa và có thể phóng đầu đạn tới Bờ Tây nước Mỹ.
Tên lửa KN-14, phiên bản có tầm xa hơn của KN-08, trên lý thuyết có thể bắn đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng tới tận thủ đô Washington.
KN-08 và KN-14 được giới phân tích quân sự đánh giá là tên lửa nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên, nhất là sau vụ thử hồi tháng 4 cho thấy động cơ của hai loại tên lửa này rất mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng phải cần một vài năm nữa Triều Tiên mới có thể triển khai được một tên lửa tầm xa đáng tin cậy, bởi Bình Nhưỡng chưa làm chủ được công nghệ phức tạp cần thiết để ngăn chặn đầu đạn hạt nhân bốc cháy do sức nóng mà nó tỏa ra khi lao từ vũ trụ xuống mục tiêu.
"Khả năng Triều Tiên có thể sản xuất thành công tên lửa có tầm bắn bao phủ phần lớn nước Mỹ là thấp. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá xác suất thấp này đang tăng dần và Mỹ cần phải đầu tư để cải thiện khả năng phòng thủ trước nguy cơ bị Triều Tiên tấn công hạt nhân", William E. Gortney, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Phòng thủ vũ trụ Bắc Mỹ, cảnh báo.