Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong (Ảnh: AFP) |
“Mọi người đều biết người Mỹ muốn đối thoại. Nhưng điều quan trọng hơn cả đó là hành động, chứ không phải lời nói. Chấm dứt chính sách thù địch chống Triều Tiên là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề trên bán đảo Triều Tiên… Do đó, vấn đề khẩn cấp bây giờ để có thể bình ổn bán đảo Triều Tiên là đặt dấu chấm hết cho chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên, vốn là gốc rễ của mọi vấn đề”, Reuters dẫn lời Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim In Ryong cho biết.
Cũng theo ông Kim, “Mỹ nên lưu ý rằng năng lực tấn công hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục được tăng cường và phát triển với tốc độ nhanh chóng chừng nào Mỹ còn kiên quyết theo đuổi chính sách chống Triều Tiên và tiếp tục những lời đe dọa hạt nhân, hăm dọa, trừng phạt cũng như gây áp lực”.
Phó Đại sứ Triều Tiên tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ “chương trình răn đe hạt nhân để đảm bảo năng lực tự vệ và tấn công phủ đầu”, ngay cả khi Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt và gây áp lực “tới mức tối đa” đi chăng nữa. Ông Kim cảnh báo nếu Mỹ vẫn không chịu hiểu Bình Nhưỡng mà tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt thì chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ phải gánh những “hậu quả thảm khốc”.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề căng thẳng giữa hai nước, nhà ngoại giao Triều Tiên cho rằng Mỹ nên thay thế thỏa thuận đình chiến từ cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953 bằng một hiệp ước hòa bình và chấm dứt chính sách thù địch Triều Tiên.
Khi được hỏi về sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên, ông Kim cho biết cả hai nước đều là “láng giềng gần gũi” với Bình Nhưỡng. “Họ hiểu rằng việc chúng tôi phát triển năng lực hạt nhân là vì Mỹ liên tục đe dọa tấn công hạt nhân và duy trì chính sách thù địch với chúng tôi”, nhà ngoại giao Triều Tiên nói.
Phát biểu của Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 18/5 nói rằng, Washington mong muốn Bình Nhưỡng tin tưởng vào cam kết không thù địch của Mỹ và không thực hiện thêm vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào trước khi Mỹ có thể xem xét tiến hành đối thoại với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Tillerson khẳng định các biện pháp trừng phạt và gây sức ép của Mỹ không phải là nhằm quấy rối Triều Tiên mà để tạo cơ hội cho Triều Tiên phát triển thông qua việc mở cửa và từ bỏ chương trình hạt nhân. Ông Tillerson cũng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ nắm bắt cơ hội và tin tưởng Washington, dừng việc tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân để tạo bầu không khí tích cực cho các cuộc đối thoại.
Giới phân tích cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson là tín hiệu mới nhất cho thấy Mỹ có thể đã chuyển dần sang hướng đối thoại và hợp tác với Triều Tiên sau một thời gian căng thẳng giữa hai bên.