Trợ lực phát triển khu công nghiệp sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiến lược quốc gia về phát triển xanh giai đoạn 2021 - 2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đặt ra nhiều yêu cầu, mục tiêu phải hiện thực hóa, trong đó có việc chuyển dịch khu vực sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) do tư nhân đầu tư đạt tiêu chí khu công nghiệp sinh thái
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) do tư nhân đầu tư đạt tiêu chí khu công nghiệp sinh thái

Nhà nước, tư nhân và đối tác nước ngoài hợp lực

Đến nay, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái không còn xa lạ với nhà đầu tư và chính quyền các địa phương. Để có sự dịch chuyển về nhận thức, kế hoạch đầu tư theo chuẩn mô hình KCN sinh thái là quá trình dài phối hợp, học tập giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính và các quốc gia tài trợ cho Việt Nam. Điều này được bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tại Diễn đàn “Thúc đẩy bền vững KCN Việt Nam” do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua.

Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện Dự án KCN sinh thái do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. Giai đoạn 1 Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” thu hút được 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng các công nghệ, giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, giúp tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, hơn 600.000 m3 nước sạch, hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm, qua đó giúp tiết kiệm mỗi năm hơn 6,5 triệu USD.

Hiện nay, Giai đoạn 2 Dự án “Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” tiếp tục được triển khai tại Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Các KCN được lựa chọn thí điểm là KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP.HCM), KCN Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). Quá trình triển khai dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh, thành phố khác.

Tiếp nhận những hỗ trợ từ Dự án, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành mô hình KCN sinh thái Hòa Khánh và đến năm 2030 có từ 2 - 3 KCN sinh thái. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng cho biết, KCN Hòa Khánh được chọn thí điểm thực hiện mô hình KCN sinh thái trong giai đoạn 2015 - 2019. Đến nay, KCN Hòa Khánh đã triển khai một số hoạt động như hỗ trợ đánh giá RECP (sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn) cho 29 doanh nghiệp; đề xuất 334 giải pháp sản xuất sạch hơn, trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện từ năm 2016 - 2020, ước tính giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm; giảm gần 50.000 m3 nước thải và trên 5.000 tấn CO2/năm. Hiện nay, KCN Hòa Khánh có 1 liên kết cộng sinh công nghiệp tiềm năng giữa Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Đà Nẵng và Công ty CP Đầu tư Sản xuất Năng lượng xanh.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Hùng, đối chiếu với quy định, KCN Hòa Khánh còn thiếu 2 tiêu chí là tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp RECP còn thấp và việc phát triển mở rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh khó khăn do nguồn vốn, ông Hùng cho biết, thủ tục còn phức tạp, chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất và cần thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp.

Cùng với KCN Hòa Khánh, KCN Amata tại Đồng Nai được chọn tham gia chương trình thí điểm KCN sinh thái và đã đạt được mức cải thiện cao theo yêu cầu khung quốc tế về KCN sinh thái. Cụ thể, khi bắt đầu vào năm 2020, Amata chỉ đạt 41% bộ chỉ số về KCN sinh thái. Sau 3 năm nỗ lực, đến tháng 1/2024, Amata đạt được 86%. KCN Amata cũng được hỗ trợ phát triển cộng sinh công nghiệp và cộng sinh công nghiệp - đô thị, nhưng việc thực hiện còn gặp nhiều rào cản pháp lý.

Theo đánh giá của Vụ Quản lý các khu kinh tế, việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang mô hình KCN sinh thái không chỉ dừng lại ở các KCN được thí điểm mà đã được lan tỏa sang các KCN khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân. Trong đó, điển hình là KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng do Công ty CP Shinec đầu tư trên diện tích 263 ha. KCN này đã xây dựng thành công 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp ở lĩnh vực luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử theo mô hình kinh tế tuần hoàn, mang lại nhiều giá trị về kinh tế, và môi trường cho nhà đầu tư thứ cấp trong KCN. Theo Shinec, với quy trình khép kín và sản xuất tuần hoàn, những phế thải giờ đây đều có giá trị, là nguyên liệu quan trọng, tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp.

Cần thêm nhiều trợ lực

Tại Hội thảo tổng kết Giai đoạn 2 Dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO tổ chức mới đây, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái và mối quan hệ hợp tác gắn bó chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương liên quan; ban quản lý các KCN, khu kinh tế; nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và các doanh nghiệp trong KCN đã tham gia Dự án. Bà Thảo tin tưởng những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ Dự án sẽ góp phần lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, với sự hỗ trợ của Dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn. Bà Sibylle nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự cam kết của khu vực tư nhân trong đầu tư xanh. Ngoài ra, việc Dự án đang xây dựng các tiêu chí và chỉ số của KCN sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất sẽ là công cụ thiết yếu để giám sát hoạt động của các KCN và KCN sinh thái.

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, có thể thấy việc xây dựng và chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không hề dễ dàng, còn nhiều việc cần phải làm và cần thêm nhiều trợ lực về vốn, cơ chế. Bên cạnh yêu cầu tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý còn đòi hỏi việc thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của Nhà nước và doanh nghiệp. “Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trong quá trình lấy ý kiến tham vấn Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, trong đó áp dụng thử nghiệm bộ 23 chỉ số KCN sinh thái của Việt Nam. Đồng thời, tiến tới xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế dự kiến thực hiện vào năm 2025”, ông Quân chia sẻ thêm.