Trung Quốc bị nghi nâng cấp mạng lưới liên lạc hỗ trợ tàu ngầm ở Thái Bình Dương

Trung Quốc mới đây đã thông báo kế hoạch nâng cấp mạng lưới cảm biến dân sự và công nghệ viễn thông ở vùng biển tây Thái Bình Dương nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hệ thống này có thể được dùng như phiên bản quân sự phục vụ liên lạc giữa các tàu ngầm hoạt động xa căn cứ.
Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)
Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Tân Hoa Xã dẫn lời các nhà khoa học tham gia vào dự án nâng cấp trên cho biết hệ thống phao, được thả ở độ sâu khoảng từ 400 tới 500m so với mặt nước ở vùng biển phía tây Thái Bình Dương, sẽ được nâng cấp trong năm nay.

Các nhà khoa học cho biết hệ thống cảm biến gắn vào các phao trên sẽ giúp phục vụ mục đích nghiên cứu về các vấn đề như biến đổi khí hậu hay tình trạng thời tiết tại vùng biển đó. Và đợt nâng cấp mới sẽ cho phép hệ thống cảm biến này gửi dữ liệu trực tiếp về các căn cứ tại Trung Quốc thông qua hệ thống vệ tinh.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã triển khai hệ thống phao, với ít nhất 20 điểm tiếp nhận thông tin đặt trên mặt biển, ở phía tây Thái Bình Dương kể từ năm 2014.

Ông Wang Fan, Phó Giám đốc Viện Khoa học Trung Quốc, cho biết quá trình thu thập dữ liệu từ hệ thống phao trước đây thường làm bằng cách thủ công khi phải mang ổ cứng về phân tích và quá trình liên lạc với hệ thống cảm biến gắn trên phao gặp nhiều khó khăn dưới nước. Công nghệ mới sẽ cho phép hệ thống phao dưới biển của Trung Quốc gửi dữ liệu tới những điểm thu thập thông tin trên mặt biển bằng hệ thống dây dẫn hoặc qua sóng âm, rồi các điểm này sẽ chuyển tiếp thông tin về đất liền bằng vệ tinh viễn thông.

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cũng dẫn ý kiến một số nhà khoa học thuộc lĩnh vực nêu trên cho rằng hệ thống cảm biến dân sự phục vụ mục đích khoa học của Trung Quốc có thể được sử dụng như một hệ thống liên lạc dưới đáy biển giữa các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng dữ liệu thu thập được có thể hỗ trợ các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, ví dụ như về vận tốc dưới nước, nhiệt độ hay độ mặn. Ngoài ra, hệ thống cảm biến này cũng có thể ghi lại và theo dõi hoạt động của tàu ngầm các nước khác ở vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.

Công nghệ mà Trung Quốc dự tính nâng cấp cho hệ thống phao thả dưới biển ở phía Tây Thái Bình Dương được đánh giá có những điểm tương tự như công nghệ mà tập đoàn Lockheed Martin từng phát triển cho các hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ.

Theo thông báo của tập đoàn Lockheed Martin, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể nhận được tin nhắn song không thể hồi đáp khi ở dưới nước. Để thực hiện quy trình này, tàu ngầm phải nổi lên mặt nước nên rất dễ bị phát hiện hoặc tấn công. Do vậy, tập đoàn Lockheed Martin đã đề xuất phương án đưa một điểm tiếp nhận thông tin trên mặt nước để kết nối giữa vệ tinh và tàu ngầm. Hệ thống này được miêu tả là "phương thức liên lạc hai chiều đầu tiên cho tàu ngầm hoạt động dưới biển sâu" và các phao tiếp cận thông tin có thể được thả từ máy bay hoặc phóng đi từ chính tàu ngầm hoạt động dưới biển. 

Tin cùng chuyên mục