Trung Quốc cắt giảm lãi suất để thúc đẩy thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo CNN, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất vay thế chấp chủ chốt ở mức kỷ lục, trong bối cảnh nước này tăng cường nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

PBOC cho biết sẽ cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm từ 4,2% xuống 3,95%, trong khi giữ nguyên LPR kỳ hạn 1 năm ở mức 3,45%.

Việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm đối với LPR kỳ hạn 5 năm là mức giảm lớn nhất mà ngân hàng trung ương này thực hiện kể từ khi cải tổ hệ thống LPR vào năm 2019. Lần gần đây nhất PBOC cắt giảm lãi suất là vào tháng 6/2023.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho rằng, việc cắt giảm đối với LPR kỳ hạn 5 năm nhằm mục đích hỗ trợ thị trường nhà đất. "Với những nỗ lực tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các nhà phát triển địa ốc, việc cắt giảm lãi suất của PBOC sẽ giúp giảm bớt phần nào áp lực lên lĩnh vực bất động sản", giới phân tích nhận định.

Nền kinh tế Trung Quốc đã gặp khó khăn do suy thoái bất động sản kể từ năm 2021, khi chính phủ trấn áp hoạt động vay mượn của các nhà phát triển đã gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực này.

Thị trường bất động sản Trung Quốc kể từ đó đã bước vào thời kỳ suy thoái kéo dài, được đánh dấu bằng sự sụt giảm liên tục cả về đầu tư và hoạt động giao dịch. Hàng chục nhà phát triển bất động sản lớn rơi vào cảnh vỡ nợ.

Cuộc khủng hoảng đã gây ra các cuộc biểu tình rộng rãi của công nhân xây dựng chưa được trả lương, khách hàng mua nhà và giới đầu tư thất vọng khi phải đối mặt với tổn thất tài chính. Nó cũng đã lan sang hệ thống "ngân hàng ngầm" khổng lồ của Trung Quốc, với việc Zhongrong Trust tuyên bố mất khả năng thanh toán nghiêm trọng vào năm ngoái sau khi không trả được nợ.

Ngân hàng ngầm là tập hợp các định chế tài chính và thị trường thực hiện chức năng của ngân hàng truyền thống, nhưng nằm ngoài phạm vi giám sát của các cơ quan chức năng. Những tổ chức này thường được gọi là những công ty tài chính phi ngân hàng, có thể bao gồm các công ty bảo hiểm, công ty thế chấp, cửa hàng cầm đồ, hay các tổ chức cho vay tín chấp…

Bắc Kinh đang nỗ lực vực dậy lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực chiếm tới 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Các biện pháp được công bố bao gồm cắt giảm lãi suất, giảm quy mô trả trước, khuyến khích các ngân hàng gia hạn các khoản vay đáo hạn cho các nhà phát triển và nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà tại các thành phố của Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác, bao gồm giảm phát, niềm tin thấp và sự tháo chạy của dòng vốn đầu tư ngày càng tăng.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE), tài khoản nợ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc trong bảng cán cân thanh toán quốc gia chỉ tăng 33 tỷ USD trong năm 2023, thấp hơn 82% so với mức năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ năm 1993. Đây là một thước đo về lượng vốn FDI mới chảy vào Trung Quốc trong 1 năm thông qua đo dòng tiền kết nối với các thực thể thuộc sở hữu nước ngoài ở Trung Quốc.