Trung Quốc chưa "đủ tuổi" cạnh tranh với các đối thủ sản xuất chip toàn cầu

(BĐT) - Theo CNBC, ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực gấp đôi để thống trị ngành công nghiệp sản xuất chip, các hãng chip trong nước vẫn sẽ tiếp tục “tụt hậu” khi cạnh tranh trên toàn cầu.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngành công nghiệp bán dẫn đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, song nó đang sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng khác bởi sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và thế hệ mạng di động thứ năm (5G), Chủ tịch SEMI China – ông Lung Chu nhận định.

“Có rất nhiều cơ hội cho ngành bán dẫn”, ông Chu cho biết tại Hội nghị Truyền thông và Công nghệ Morgan Stanley ở Bắc Kinh.

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các hướng dẫn cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước thông qua đổi mới và đầu tư. “Có bằng chứng cho thấy tiền đã được rót vào, song tôi nghĩ sẽ phải mất một thời gian dài để Trung Quốc có thể bắt kịp các nước dẫn đầu trong ngành này”, ông Chu cho biết.

SEMI là hiệp hội toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn, có mặt tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo hãng nghiên cứu Gartner và IHS Markit, doanh thu toàn cầu của ngành công nghiệp này đã tăng 21,7% lên đạt 429,1 tỷ USD vào năm 2017. Trong đó, Samsung Electronics, Intel, SK Hynix và Quanlcomm là những “ông lớn” thống lĩnh thị trường.

Ông Chu cho biết Trung Quốc tiêu thụ hơn một nửa nhu cầu chip toàn cầu, song các nhà cung ứng chip trong nước chỉ đáp ứng khoảng 13% nhu cầu nội địa. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh có thâm hụt thương mại lớn trong lĩnh vực này.

“Đó là mối quan tâm lớn đối với chính phủ, với nền kinh tế, nhưng đó cũng là một cơ hội tuyệt vời để các công ty trong nước tham gia mảng kinh doanh vi mạch. Đó là động lực lý giải vì sao Trung Quốc muốn làm nhiều hơn nữa”, ông Chu nói.

Theo mục tiêu Made in China 2025, Bắc Kinh muốn có sản phẩm chip sản xuất trong nước được sử dụng trong điện thoại di động chiếm 40% thị trường nội địa vào năm 2025, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Trung Quốc đã huy động nhiều quỹ để phát triển sản phẩm bán dẫn kể từ năm 2014, với sự đóng góp từ các doanh nghiệp do chính phủ hậu thuẫn và các công ty trong ngành, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển chip riêng. Và đây cũng là một trong những lý do khiến Mỹ than phiền về hoạt động công nghệ của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Theo ông Chu, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đã khiến nhiều doanh nghiệp trong mảng chất bán dẫn lo ngại khi đầu tư vào thị trường Trung Quốc. 

Tin cùng chuyên mục