Trung Quốc lo ngại về hệ thống tên lửa THAAD vì “mù mờ” thông tin

Giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc liên tục phản đối hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc là vì không biết hệ thống này có khả năng theo dõi và ngăn chặn chính chương trình hạt nhân của Bắc Kinh hay không.
Hệ thống THAAD (Ảnh: Missile Defense Agency)
Hệ thống THAAD (Ảnh: Missile Defense Agency)

Theo Reuters, trong khi Mỹ liên tục khẳng định THAAD được triển khai là để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước nguy cơ ngày càng tăng từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, một số chiến lược gia Trung Quốc tin rằng hệ thống này là mối đe dọa đối với năng lực ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc.

“Một điều rõ ràng đó là không ai ở Trung Quốc có thể nắm đầy đủ thông tin về năng lực kỹ thuật của THAAD và đó là một phần của vấn đề”, Zhang Baohui, chuyên gia về năng lực hạt nhân Trung Quốc, cho biết.

“Năng lực thực sự của THAAD vẫn là một bí mật và đây vẫn là một lỗ hổng kiến thức mà các chiến lược gia Trung Quốc chưa thể lấp đầy. Trong trường hợp họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về hệ thống này, thì đúng là họ phải quan ngại về nó và buộc phải nghĩ tới một viễn cảnh tồi tệ nhất”, chuyên gia Zhang nhận định thêm.

Trong khi đó, trong các tuyên bố chính thức của mình, Trung Quốc cho biết nước này phản đối THAAD vì hệ thống hiện đại này sẽ gây bất ổn cho sự cân bằng về an ninh trong khu vực. Theo giới chức Trung Quốc, phạm vi hoạt động được cho là lên tới 2.000 km từ sóng radar cực mạnh của THAAD có thể xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, đây mới thực sự là điều khiến Bắc Kinh lo ngại hơn cả, chứ không chỉ đơn thuần là những tên lửa đánh chặn tầm ngắn mà THAAD phóng đi để đánh chặn tên lửa Triều Tiên.

Bấm vào đây để xem kích cỡ đầy đủ

Một số chuyên gia Trung Quốc nhận định phạm vi radar của THAAD có thể giúp hệ thống này bao quát cả các khu phóng tên lửa nằm sâu trong vùng lãnh thổ phía đông bắc Trung Quốc - nơi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến hành thử nghiệm các tên lửa tầm xa mới nhất của nước này.

Ngoài ra, giới khoa học Trung Quốc cũng lo ngại rằng radar của THAAD đủ tinh vi để cho phép Mỹ có thể theo dõi các vụ thử tên lửa cũng như các đặc tính cụ thể của tên lửa Trung Quốc, từ đó giúp Washington chuẩn bị tốt hơn các biện pháp đối phó với các cuộc tấn công từ Bắc Kinh trong tương lai.

Một số ý kiến khác phỏng đoán hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ được kết nối với một mạng lưới radar cảnh báo sớm, các thiết bị cảm biến và hệ thống kiểm soát trận địa rộng hơn do Mỹ dẫn đầu trong khu vực, từ đó kết nối các quốc gia lân cận với nhau để tạo thành một liên minh.

Li Bin, chuyên gia an ninh tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), cho biết radar THAAD sẽ cho phép quân đội Mỹ trực tiếp thu thập các dữ liệu về tên lửa của Bắc Kinh, điều mà Washington có thể không làm được nếu phải nhờ đến nguồn tin từ bên thứ 3. Theo đó, các chuyên gia cũng đề xuất các biện pháp mà PLA có thể sử dụng để đối phó với THAAD, bao gồm việc triển khai các vũ khí laser hay các thiết bị làm nhiễu sóng.

THAAD là một trong những vấn đề gai góc, gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Trung - Mỹ và Trung - Hàn thời gian qua. Các chủ đề liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này có thể sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần này tại Mỹ. 

Tin cùng chuyên mục