Ông Daan Roosegaarde - Ảnh: Studio Roosegaarde |
Theo Bloomberg, chuyện không khí Bắc Kinh ô nhiễm không chỉ khiến Liu Min, một bà mẹ, lo lắng cho tương lai của con mình khi nghĩ về chuyện ca ung thư phổi trẻ nhất Trung Quốc chỉ mới có 8 tuổi, mà còn là điều nằm trong tâm trí một nghệ sĩ, kiến trúc sư kiêm doanh nhân người Hà Lan Daan Roosegaarde.
Ông Roosegaarde đã tạo ra một tòa tháp cao 7 mét, gọi là “Tháp làm sạch bụi”, và đang chuẩn bị để gửi nó đến Bắc Kinh nếu ông nhận được sự cho phép của chính quyền Trung Quốc.
Tháp của ông hoạt động như một chiếc máy lọc không khí ngoài trời khổng lồ, có thể làm sạch 30.000 mét khối không khí mỗi giờ bằng công nghệ ion hóa. Điều này có nghĩa là trong vòng một ngày rưỡi, “Tháp làm sạch bụi” có thể làm sạch không khí có trong một sân vận động bóng đá điển hình. Tháp này chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ năng lượng, tương đương với một nồi hơi nước sử dụng tại gia.
Roosegaarde cho hay ông đã thử nghiệm làm sạch bụi trong công viên ở thành phố Rotterdam và bây giờ đang tìm kiếm đối tác ở Trung Quốc để xây dựng và lắp đặt các ngọn tháp của mình.
Bắc Kinh từ lâu đã tung ra nhiều biện pháp khác nhau, kể cả chuyện giảm thuế cho dòng xe hybrid, nhưng bốn ngày sương mù khô liên tục vào đầu tháng này vẫn xảy ra. Đây là đợt sương mù do khói bụi nặng nề nhất trong năm nay ở Bắc Kinh.
Chiếc nhẫn tạo ra từ bụi "Tháp làm sạch bụi" thu thập được - Ảnh:Studio Roosegaarde
Thiện ý trên của kiến trúc sư Hà Lan xuất phát từ hai năm ông đến thăm thủ phủ Trung Quốc. Song hiện giờ, chuyện ông được đem tòa tháp của mình vào đất Đại lục vẫn là một chủ đề chính trị nhạy cảm. Roosegaarde chia sẻ: “Ở Trung Quốc thì bạn phải xây dựng lòng tin”.
Hiện tại, kiến trúc sư kiêm doanh nhân Roosegaarde đang vận hành một studio ở Hà Lan, kiến tạo các dự án thiết kế và xây dựng, nhận hợp đồng và tiền hoa hồng từ các bảo tàng và chính quyền địa phương.
“Tháp làm sạch bụi” là dự án đầu tiên ông làm bằng chính tiền của minh. Hồi tháng 7, ông kêu gọi vốn cho dự án này và có được 113.153 EUR trong 2 tháng. Một trong những phần thưởng mà ông dành cho nhà tài trợ là một chiếc nhẫn với khối lập phương hình thành từ các phân tử khói mà tòa tháp thu thập được, chứa 42% carbon. “Nếu bạn ép carbon dưới áp lực cao, bạn sẽ có viên kim cương”, ông nói.
Mục tiêu mới nhất của Roosegaarde là lắp đặt 20-25 tháp ở các công viên công cộng tại Bắc Kinh, sau đó là mở rộng mô hình này sang các nước chịu ô nhiễm không khí nặng như Ấn Độ và Mexico.