Trung Quốc nhất quyết đòi Mỹ dỡ thuế quan mới chốt thỏa thuận

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Trung gặp trở ngại vì cả hai đều không muốn nhượng bộ...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Kyodo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Kyodo.

Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ rút lại thuế quan trừng phạt đã áp lên hàng hóa nước này, xem đây như một điều kiện phải được đáp ứng để đi đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Bắc Kinh và Washington. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Trung gặp trở ngại vì cả hai đều không muốn nhượng bộ.

"Thương chiến bắt đầu bằng việc áp thuế quan, thì cũng nên được kết thúc bằng việc hủy những thuế quan đó. Đây là một điều kiện quan trọng để hai bên đạt được một thỏa thuận", hãng tin CNBC dẫn lời người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tuần ngày thứ Năm.

"Nếu hai bên đạt thỏa thuận, mức độ dỡ thuế sẽ phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của thỏa thuận giai đoạn 1", ông Gao nói, và cho biết các nhà đàm phán thương mại hai nước đang thảo luận sâu về chủ đề này.

Thương chiến Mỹ-Trung đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi và đến thời điểm hiện tại, sau 13 vòng đàm phán cấp cao, hai bên vẫn chưa tìm ra giải pháp. Mỹ đã áp thuế và có kế hoạch áp thuế lên tổng cộng hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Hai bên đang đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để xuống thang thương chiến, nhưng giới thạo tin cho biết cuộc đàm phán lại đang rơi vào bế tắc vì bất đồng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là việc Trung Quốc muốn Mỹ dỡ thuế trong khi Mỹ chưa sẵn sàng.

CNBC cho biết, có nhiều dữ liệu và bằng chứng cho thấy doanh nghiệp cả Mỹ và Trung Quốc tìm cách ứng phó với thuế quan mà hai nước này áp lên hàng hóa của nhau. Đối với một số công ty ở Mỹ, việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước khác là một lựa chọn.

"Từ góc nhìn khu vực, chúng tôi thấy có sự gia tăng mạnh của hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ từ các thị trường như Việt Nam và Đài Loan", ông Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu thuộc The Economist Intelligence Unit, nhận định.

"Nhưng không rõ liệu hai nền kinh tế này hiện có đủ năng lực sản xuất để giải thích toàn bộ câu chuyện hay không. Hàng hóa ‘quá cảnh’ có thể giữ một vai trò ở đây", ông Marro nhận định. "Rủi ro lớn nhất là kiểu né thuế quan này là đi ngược lại luật pháp Mỹ, và bởi thế một số công ty và quốc gia có thể đối mặt nguy cơ bị Mỹ áp hành động trừng phạt thương mại".

Trong một cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg ngày 14/11, ông Jack Ma, nhà đồng sáng lập kiêm cựu Chủ tịch tập đoàn thương mại điện từ Trung Quốc Alibaba, dự báo rằng căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung có thể kéo dài 20 năm nếu hai siêu cường này không giải quyết thấu đáo vấn đề thương mại.

"Chúng ta phải rất, rất thận trọng", ông Jack Ma nói. "Chúng ta cần giải quyết vấn đề chứ không phải gây thêm vấn đề".

Theo vị tỷ phú Trung Quốc, một cuộc chiến thương mại quy mô lớn giữa Bắc Kinh và Washington có thể không kéo dài như vậy, nhưng mối quan hệ giữa hai nước sẽ còn gập ghềnh trong 2 thập kỷ tới. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước hợp tác và chia sẻ công nghệ như một chìa khóa để cải thiện quan hệ.

Tin cùng chuyên mục