Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang có mặt tại thủ đô Vientiane, Lào, dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Chuyến công tác được thực hiện trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á ngày càng căng thẳng bởi những động thái cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh, theo South China Morning Post.
Cũng có mặt tại Lào với tư cách tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm quốc gia Đông Nam Á này, ông Barack Obama mang theo cam kết tăng gấp đôi viện trợ cho Lào, lên mức 30 triệu USD mỗi năm, trong vòng ba năm, để giúp người dân Lào tìm kiếm và vô hiệu hóa những quả bom chưa nổ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Theo giới quan sát, ông Lý được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh các dự án kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Lào, như một phần trong gói hành động nhằm thúc đẩy sáng kiến Một Vành đai, Một Con đường mà Trung Quốc nêu ra từ năm 2014.
Du Jifeng, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, đánh giá với việc quan hệ kinh tế ngày càng mở rộng, hai quốc gia sẽ có nhiều không gian hơn cho các cơ hội hợp tác chính trị.
"Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh" ảnh hưởng tại Lào, Du nói. "Nhưng đây không phải cuộc chơi một mất một còn".
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Vientiane bắt đầu cải thiện từ những năm 1990. Đến năm 2013, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Lào. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,78 tỷ USD.
Hầu hết những dự án mà Trung Quốc rót tiền tại Lào đều thuộc về lĩnh vực năng lượng và khai khoáng. Đặc biệt, dự án xây dựng nhà máy thủy điện Nam Ngiep 1 có mức đầu tư lên đến 868 triệu USD.
Một trong những dự án trọng điểm khác là kế hoạch xây dựng hệ thống đường ray kết nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với thủ đô Vientiane, Lào, và Thái Lan.
Các quan chức cấp cao hai nước hồi tháng 12 năm ngoái chứng kiến lễ khởi công công trình đường ray dài 427 km này. Nó dự kiến hoàn thành trong vòng 4 đến 5 năm.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng Đặc khu Kinh tế Luang Marsh nằm gần Vientiane có giá trị tới 1,6 tỷ USD. Khu tổ hợp nói trên, rộng 3.650.000 m2, bao gồm một khu dân cư rộng lớn, công viên công cộng, khách sạn, trung tâm thương mại cùng hàng loạt địa điểm vui chơi giải trí.
Các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc hôm qua ra tuyên bố chung cam kết kiềm chế khi xử lý vấn đề Biển Đông sau một phiên họp cấp cao ở thủ đô Vientiane, Lào. Ảnh: Reuters
Với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, Lào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Trung Quốc. Chuyên gia nhận định một mối quan hệ tốt đẹp với Vientiane có thể giúp Bắc Kinh né tránh những lời chỉ trích từ ASEAN nhắm tới mình liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông.
Song Qingrun, nhà phân tích từ Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho rằng trong chuyến thăm lần này, ông Lý sẽ ra sức thúc đẩy việc thiết lập các cơ chế quản lý khủng hoảng ở Biển Đông cũng như củng cố hơn nữa các mối hợp tác kinh tế với khu vực.
"Vì Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất được bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên Biển Đông nên khu vực đầy căng thẳng này có lẽ sẽ dần trở nên bình ổn hơn", Song nhận xét.
Nhưng theo cây bút Kristin Huang từ SCMP, vẫn còn đó rất nhiều mối nghi ngại tồn tại bên trong nước Lào đối với Trung Quốc. Bởi Bắc Kinh chủ yếu chỉ tập trung đầu tư vào ngành năng lượng và khai khoáng, giới phê bình lo ngại đây là một mô hình không bền vững, có khả năng làm suy yếu triển vọng phát triển lâu dài của Lào.