Trung Quốc - rủi ro lớn nhất của thị trường toàn cầu

Số liệu kinh tế đi xuống, mối quan hệ khó đoán với Mỹ và vai trò then chốt trong vấn đề Triều Tiên khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm của giới đầu tư.
Thương mại của Trung Quốc đã đi xuống trong tháng 4. Ảnh:Reuters
Thương mại của Trung Quốc đã đi xuống trong tháng 4. Ảnh:Reuters

Giá cổ phiếu toàn cầu đang cao kỷ lục. Chỉ số đo biến động - VIX đang ở đáy 10 năm. Nhưng trong khi nhà đầu tư đang thở phào vì kết quả bầu cử Tổng thống Pháp, những rủi ro mới lại bắt đầu xuất hiện.

Đứng đầu danh sách là các mối lo từ Trung Quốc. Hàng loạt số liệu yếu hơn dự báo gần đây đã biến kinh tế Trung Quốc thành tâm điểm chú ý của thế giới.

Cuối tuần trước, số liệu sản xuất của Trung Quốc (PMI) phát tín hiệu chậm lại. Thương mại cũng yếu hơn dự báo, với cả xuất khẩu và nhập khẩu. Hôm nay, Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát.

“Tôi đang ngày càng lo ngại rủi ro từ sự chậm lại của Trung Quốc”, Jeff Kleintop - chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab nhận xét.

Hàng hóa toàn cầu đang bị bán tháo vì mối lo này. Giá đồng tuần trước đã mất 3% và hôm qua giảm tới 1,4%.

“Đây có thể là những dấu hiệu cảnh báo Trung Quốc sẽ là yếu tố có tác động lớn lên thị trường thời gian tới”, ông nhận xét. Nếu nền kinh tế mất đà quá mạnh, khiến tiền tệ nước này yếu đi đáng kể, và giá hàng hóa tiếp tục lao dốc, nó sẽ tác động tiêu cực lên các thị trường khác.

“Chính phủ đã giảm chi cho cơ sở hạ tầng. Họ cho rằng chi tiêu trong lĩnh vực tư nhân sẽ tăng lên để bù đắp. Nhưng tôi cho rằng khi lãi suất toàn cầu tăng lên, điều kiện tài chính thắt chặt và các điều kiện thanh toán mới nảy sinh, kế hoạch này sẽ chết yểu”, Kleintop lo ngại.

“Rủi ro hiện tại với thế giới vẫn là giảm phát, chứ không phải lạm phát. Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể chính là một nguồn rủi ro”, Paul Christopher - chiến lược gia đầu tư quốc tế tại Wells Fargo Investment Institute cảnh báo.

Dù vậy, Christopher cho rằng nếu nhận thấy các dấu hiệu yếu đi và thị trường bán tháo, Trung Quốc sẽ phản ứng lại bằng cách nới lỏng tín dụng và ngừng cải tổ khi cần thiết, như hồi tháng 8/2015.

Chứng khoán Trung Quốc đã đi xuống hôm qua, trong khi hầu hết thị trường châu Á tăng điểm. Nhiều nguồn tin cho biết giới chức đang tìm cách kìm hãm đầu cơ trên thị trường, và bàn cách cải tổ các thị trường tài chính, nhằm ngăn rủi ro chéo.

Dù vậy, một số rủi ro liên quan đến Trung Quốc cũng đã giảm nhẹ phần nào. Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho biết ông sẽ không gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ nữa.

“Tôi cho rằng ông Tập rất thận trọng khi phản ứng với các phát ngôn của ông Trump. Trung Quốc có lẽ đã giành phần thắng trong các cuộc họp với quan chức Mỹ”, Kleintop nhận xét.

Christopher thì cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ là một mối lo lớn, nếu Mỹ không theo đúng chính sách nhằm thúc đẩy lạm phát đã được ông Trump đề ra. Thị trường gần đây còn nghi ngờ việc ông có thể thực hiện các cam kết cải tổ thuế.

Một lý do khác khiến Trung Quốc được chú ý, là nước này còn đóng vai trò trung tâm trong khả năng giải quyết căng thẳng với Triều Tiên. Do họ là láng giềng và đối tác thương mại thân cận nhất của nước này.

Nhà đầu tư đang theo dõi sát hoạt động của Triều Tiên trước cuộc bầu cử Tổng thống tại Hàn Quốc. Ứng cử viên đang dẫn đầu - Moon Jae-In đã ra tín hiệu sẽ có quan điểm hòa nhã hơn với Triều Tiên và ít thân thiện hơn với Mỹ.

“Rủi ro địa chính trị là thứ không thể dự báo được, mà chỉ quan sát thôi. Trong trường hợp của Triều Tiên, đó là việc liệu có vụ thử hạt nhân nào nữa hay không. Đây là giới hạn Tổng thống Trump đã vạch ra. Chúng ta không biết ông ấy đã thỏa thuận những gì với Trung Quốc. Nhưng tôi thực sự cho rằng họ đã nghĩ ra kế hoạch hành động rồi”, Christopher kết luận.

Tin cùng chuyên mục