Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Thị trường tiền tệ đang bắt được những tín hiệu kín đáo từ nhà chức trách Trung Quốc rằng Bắc Kinh sẽ làm cho đồng nhân dân tệ mất giá từ từ để gia tăng lợi thế cho khu vực xuất khẩu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng một đồng nhân dân tệ suy yếu kéo dài sẽ không phải là chủ đích hay mong muốn của Trung Quốc.
Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy Trung Quốc muốn đồng nhân tệ yếu hơn đến từ việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày - tỷ giá trung tâm mà đồng nhân dân tệ trên thị trường tự do được phép dao động xung quanh trong một biên độ nhất định.
Từ tháng 11 năm ngoái, PBOC đã sử dụng tỷ giá tham chiếu để kiểm soát sự mất giá của đồng nhân dân tệ, ngay cả khi đồng tiền của các nước láng giềng là đối thủ thương mại như Nhật Bản và Hàn Quốc giảm mạnh. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 4 tới nay, tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ trở nên bớt cứng nhắc hơn và thậm chí có khuynh hướng làm suy yếu đồng tiền này - hãng tin Reuters cho hay.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh Trung Quốc - lực lượng thường mua vào đồng nhân dân tệ để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ - cũng trở nên kín đáo hơn.
HÀNG HOÁ TRUNG QUỐC VẪN ĐANG CẠNH TRANH TỐT
Dựa vào tỷ giá hối đoái danh nghĩa, có thể thấy một chút mất giá của nhân dân tệ sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Năm nay, nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 2% so với USD, nhưng một chỉ số đo giá trị của đồng tiền này so với đồng tiền các nước đối tác thương mại lớn của Trung Quốc đã tăng gần 3%, do đồng yên Nhật Bản sụt giá 9% và đồng won Hàn Quốc trượt 5% so với đồng USD trong cùng khoảng thời gian.
“PBOC sẽ tiếp tục để cho nhân dân tệ mất giá nhẹ so với USD, với tốc độ mất giá mà nhà chức trách cả thấy thoải mái”, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc Tommy Wu của ngân hàng Commerzbank nói với Reuters. “Điều này đặc biết đúng xét tới việc đồng tiền các nước đối tác thương mại của Trung Quốc đã mất giá so với USD, dẫn tới tỷ giá của nhân dân tệ tăng so với rổ tiền tệ đó”.
Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu dự báo nhân dân tệ sẽ giảm giá về mức 7,3 nhân dân tệ/USD trong những tháng tới, thấp hơn khoảng 1% so với mức hiện tại là 7,22 nhân dân tệ/USD. Đó là một mức giảm khiêm tốn, phản ánh điều mà hầu hết các nhà phân tích đều tính đến - đó là PBOC vừa lo ngại những rủi ro của một đồng nội tệ mất giá sâu, vừa muốn duy trì khả năng cạnh tranh thương mại.
“Chúng tôi không cho rằng sẽ có bất kỳ sự giảm giá mạnh một lần nào đối với nhân dân tệ, mà thay vào đó là sự sẵn sàng để đồng tiền này giảm giá từ từ, với mức độ biến động thấp hơn”, trưởng giao dịch tiền tệ của ngân hàng Citi, ông Nathan Swamai, nhận định.
Hiện tại, hầu như chưa có bằng chứng nào cho thấy sức mạnh tương đối của nhân dân tệ - so với đồng tiền các nền kinh tế là đối thủ của Trung Quốc - đang gây thiệt hại cho lĩnh vực xuất khẩu rộng lớn của nước này, cho dù các dòng vốn vẫn đang chảy mạnh khỏi thị trường và nền kinh tế còn ảm đạm của Trung Quốc. Các cuộc khảo sát ngành sản xuất của Trung Quốc cho thấy lượng đơn hàng xuất khẩu mới của nước này vẫn tăng.
Trong đó, xuất khẩu các sản phẩm điện mặt trời, ô tô điện và pin lithium - gọi chúng là “ba thứ mới” của Trung Quốc nhằm thay thế các sản phẩm thiết bị gia dụng, đồ nội thất và hàng may mặc vốn đòi hỏi hàm lượng nhân công lớn để sản xuất - đóng góp lớn vào sự tăng trưởng xuất khẩu nói trên. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của ba nhóm sản phảm này đạt 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 146,7 tỷ USD, tăng 1/3 so với cùng kỳ năm trước.
Bà Zhu, một nhà xuất khẩu các sản phẩm điện mặt trời ở Thượng Hải, cho biết hoạt động kinh doanh của bà không bị ảnh hưởng bởi việc sản phẩm cạnh tranh của Hàn Quốc và Nhật Bản đang trở nên rẻ hơn. “Đối với một số sản phẩm, các thương hiệu Trung Quốc đã thống lĩnh thị trường. Hàng Nhật và Hàn khó mà cạnh tranh được… Biến động tỷ giá chắc chắn là một nhân tố quan trọng, nhưng chúng tôi chưa thấy có ảnh hưởng lớn”, bà Zhu nói.
MỐI LO BỊ CÁC NƯỚC KHÁC PHẢN ĐỐI
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang chứng kiến chi phí đầu vào giảm do các lực lượng giảm phát trong nền kinh tế nước này, đến từ tình trạng tiêu dùng và đầu tư yếu trong nước.
Theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, nếu điều chỉnh theo lạm phát, đồng nhân dân tệ đang yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Lạm phát giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã duy trì gần ngưỡng 0% trong khoảng 1 năm trở lại đây.
“Riêng điều này cũng mang lại một mức độ cạnh tranh nhất định cho Trung Quốc. Bởi vậy, nếu nhân dân tệ có tăng giá lên mức 7 nhân dân tệ/USD, thì tính theo cơ sở 2-3 năm, tỷ giá có thể vẫn mang lại sức cạnh tranh tốt hơn cho Trung Quốc”, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của ngân hàng HSBC - ông Frederic Neumann - nhận xét.
Nhưng mặt khác, tỷ lệ trao đổi (terms of trade) đang thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho Trung Quốc do giá dầu và các hàng hoá cơ bản khác mà nước này phải nhập khẩu vẫn còn cao.
Ông Neumann nói rằng đồng nội tệ giảm giá một chút có thể là một phần trong bộ công cụ chính sách của Trung Quốc để tăng giá đầu vào sản xuất nhằm chống lại giảm phát, đồng thời mang lại thêm một chút khuyến khích cho các nhà xuất khẩu của nước này.
Nhưng nếu nhân dân tệ mất giá quá nhiều, người tiêu dùng Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng giữa lúc họ đang phải đối mặt với sự sụt giảm của thị trường bất động sản và chứng khoán. Chi tiêu bình quân đầu người của Trung Quốc trong kỳ nghỉ Quốc tế Lao động năm nay giảm 11,5% so với 2019, năm trước Covid-19, theo ước tính của Reuters.
Vị thế thống trị về xuất khẩu của Trung Quốc cũng là một mối lo khác. “Vấn đề trong trường hợp của Trung Quốc là nếu họ phá giá đồng tiền bây giờ, nguy cơ xảy ra phản ứng toàn cầu sẽ lớn. Trung Quốc đang bị nhiều quốc gia chỉ trích về vấn đề cạnh tranh rồi”, ông Neumann của HSBC phát biểu.
“Nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền một chút, lĩnh vực xuất khẩu của họ có thể được hỗ trợ một chút, nhưng khối lượng hàng hoá nhập khẩu vào Trung Quốc chưa chắc đã tăng như vậy. Bởi thế, lợi ích từ việc phá giá đồng tiền trong trường hợp của Trung Quốc sẽ ít hơn so với trường hợp của một nền kinh tế nhỏ”, ông Neumann nói.