Trung Quốc siết vốn xuất ngoại

Các công ty và nhà đầu tư ở Trung Quốc đang hoạt động khó khăn hơn khi Bắc Kinh siết chặt dòng vốn chảy ra nước ngoài, sau khi thị trường bất ổn mùa hè năm ngoái và gia tăng các dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang bị siết chặt dòng vốn.
Doanh nghiệp Trung Quốc đang bị siết chặt dòng vốn.

Tháng 9-2015, Cục Quản lý nhà nước về ngoại hối (SAFE) áp đặt hạn mức cho chủ thẻ ngân hàng Trung Quốc rút tiền tại các máy ATM ở nước ngoài. Tháng 1, SAFE triển khai cơ chế mới giám sát cá nhân mua ngoại tệ và yêu cầu các ngân hàng giảm giao dịch ngoại tệ. Đến lượt mình, các ngân hàng tăng cường kiểm soát các giao dịch ngoại tệ của doanh nghiệp, từ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài đến doanh nghiệp trả nợ ở nước ngoài.

The Wall Street Journal cho biết, một nhà sản xuất hóa chất châu Âu lớn ở Thượng Hải khi mua 610.000USD vào tháng 1 để trả phí giấy phép công nghệ hàng năm đã mất nhiều thời gian hơn thông thường 20 ngày do phải chờ phê duyệt trước khi đổi NDT lấy ngoại tệ. Hay một công ty xử lý nước ở Phúc Kiến muốn rút 2.000USD chi phí đi lại cho một kỹ sư sang Hoa Kỳ lắp đặt thiết bị cho khách hàng, nhưng thay vì có thể thực hiện ngay trong ngày tại các ngân hàng, nay mất 1 tuần do thủ tục.

Ngân hàng Thiên Tân nhắm đến việc huy động 1 tỷ USD khi IPO tại Hồng Công trong tháng 3 này, cũng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn từ các nhà đầu tư lớn ở đại lục, khi một số kênh nhà đầu tư thường dùng chuyển tiền ra nước ngoài đang bị thắt chặt. Jean Francois Harvey, đối tác quản lý toàn cầu của Hãng luật Harvey Law ở Hồng Công, cho biết một khách hàng Trung Quốc đang gặp vấn đề chuyển 15 triệu USD cho một công ty Hồng Công đã hỗ trợ mua trang thiết bị cho nhà máy ở Nam Mỹ trong 2 năm qua. Harvey cho biết thời gian gần đây nhiều khách hàng cũng gặp khó khăn khi chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc để mua sắm thiết bị và đầu tư.

Lo ngại tăng trưởng chậm lại và đồng NDT giảm giá, các doanh nghiệp Trung Quốc và người tiêu dùng đang tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài, nơi giá trị của nó có thể tăng. Năm ngoái, ước tính khoảng 700-1.000 tỷ USD đã chảy ra khỏi Trung Quốc. Con số đó lớn hơn cả nền kinh tế Thụy Sĩ, tương đương 10% GDP Trung Quốc. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 107,9 tỷ USD trong tháng 12-2015 so với tháng 11 và giảm thêm 128 tỷ USD trong tháng 1 và 2-2016, làm dự trữ ngoại hối giảm 20% so với đỉnh vào tháng 6-2014. Cuối tháng 2, Trung Quốc có dự trữ ngoại hối 3.200 tỷ USD, gấp đôi Nhật Bản. Một số nhà kinh tế tính toán dự trữ ngoại hối Trung Quốc có thể giảm tiếp về mức 2.000 tỷ USD hoặc ít hơn.

Trước những giải pháp siết chặt dòng vốn, một số người đã có những sáng tạo quanh hạn ngạch. Nhà sưu tập Liu Yiqian ở Thượng Hải cho biết, cuối năm ngoái ông đã mua bức tranh sơn dầu vẽ một phụ nữ khỏa thân của họa sĩ Italia Amedeo Modigliani với giá 170 triệu USD và thanh toán bằng thẻ American Express Centurion. Nhiều người sở hữu thẻ này được miễn hạn ngạch ngoại tệ của Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, nhà phát triển bất động sản Soho China ở Bắc Kinh đã quyết định thanh toán bớt một phần nợ bằng đồng USD sau khi NDT suy giảm mạnh. Đầu năm nay, Soho đã công bố nợ bằng đồng NDT với mức thấp hơn nhiều để bổ sung vốn. CEO Soho Zhang cho biết công ty quyết định trả nợ ngoại tệ vì khi NDT giảm sẽ giúp hạn chế rủi ro ngoại hối cho công ty. Hiện nợ bằng ngoại tệ chỉ chiếm 16% tổng nợ của Soho, do đó công ty không còn lo lắng rủi ro ngoại hối nữa.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, trong quý III-2015, thanh toán nợ của các công ty Trung Quốc bằng ngoại tệ trong và ngoài Trung Quốc lên tới 41 tỷ USD. Các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển tiền ra nước ngoài thông qua đầu tư, từ đầu năm đến ngày 7-3 đã đầu tư 85,8 tỷ USD ra nước ngoài, gần gấp 8 lần cùng kỳ năm trước.

Tin cùng chuyên mục