Trung Quốc yêu cầu tập đoàn gọi xe hủy niêm yết trên sàn Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền Trung Quốc yêu cầu Didi Global Inc. hủy niêm yết trên Sàn giao dịch New York (Mỹ). Yêu cầu làm dấy lên lo ngại về cuộc trấn áp mạnh tay đối với ngành công nghệ.
Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Trung Quốc năm 2016, Didi đã thống trị thị trường gọi xe của đất nước tỷ dân. Ảnh: Reuters.
Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Trung Quốc năm 2016, Didi đã thống trị thị trường gọi xe của đất nước tỷ dân. Ảnh: Reuters.

Theo nguồn tin của Bloomberg, yêu cầu do cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc đưa ra. Nguyên nhân là lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm.

Nguồn tin cho biết các đề xuất đang được xem xét là tư nhân hóa trực tiếp, hoặc hủy niêm yết tại Mỹ và chuyển sang thị trường Hong Kong.

Nếu tiến hành tư nhân hóa, giá đề xuất sẽ không thấp hơn 14 USD/cổ phiếu - mức giá IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) - để tránh kiện tụng.

Còn nếu chuyển sang niêm yết ở sàn Hong Kong, giá sẽ thấp hơn giá cổ phiếu của Didi trên sàn Mỹ. Tính đến cuối phiên 24/11, mức giá là 8,11 USD/cổ phiếu. Cả 2 cách làm đều là đòn giáng lớn vào gã khổng lồ gọi xe.

Chỉ vài ngày sau khi IPO thành công trên sàn New York hồi tháng 7 và thu về 4,4 tỷ USD, Didi đã gặp rắc rối lớn với cơ quan quản lý Trung Quốc.

Hôm 4/7, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã yêu cầu các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng của Didi, sau khi phát hiện gã khổng lồ gọi xe thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng bất hợp pháp.

Yêu cầu của Bắc Kinh được đưa ra chỉ hai ngày sau khi cơ quan quản lý buộc Didi ngừng đăng ký người dùng mới và điều tra công khai đối với các hoạt động an ninh mạng của công ty.

Didi hiện được kiểm soát bởi nhà đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu. Tập đoàn Nhật Bản Soft Bank và Uber Technologies là hai cổ đông thiểu số lớn nhất của Didi.

Ngay cả khi Didi chuyển sang niêm yết tại Hong Kong, hãng gọi xe cũng sẽ phải giải quyết những lo ngại về an ninh dữ liệu, vốn đang thu hút sự chú ý của giới chức Bắc Kinh. Họ có thể phải chuyển quyền quản lý dữ liệu cho bên thứ ba.

Washington và Bắc Kinh vẫn đang tranh cãi về quyền tiếp cận sổ sách của các công ty niêm yết. Do đó, Didi hủy niêm yết có thể kích hoạt làn sóng rời đi của các công ty Trung Quốc khác trên sàn Mỹ.

Hôm 25/11, một quan chức cấp cao Trung Quốc nhận định việc hủy niêm yết sẽ là "bước lùi trong quan hệ với Mỹ".

Didi từng đánh bại Uber tại Trung Quốc để giữ vị thế thống trị tại thị trường 1,4 tỷ dân. Nhưng giờ, hãng trở thành phép thử trong cuộc trấn áp các gã khổng lồ Internet. Theo giới quan sát, một phần nguyên nhân của việc thắt chặt kiểm soát là chiến lược "thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tin cùng chuyên mục