Trước bước ngoặt cải thiện vị thế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, quá trình hội nhập và phát triển của kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài về nhiều mặt. Song, trước bối cảnh thế giới có nhiều bất định và cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, Việt Nam cần nhìn lại cách làm trong những năm qua, dấn bước mạnh mẽ hơn để bắt nhịp với sự phát triển của khu vực và trên thế giới.
Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam cần có những chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để giúp doanh nghiệp vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Những bước tiến dài

Theo ông Thành, quá trình phát triển và hội nhập trong nhiều thập kỷ qua cho thấy nền kinh tế nước ta đã thay đổi rất nhiều, tiến bộ về nhiều mặt, không chỉ hiện rõ ở các thước đo về kinh tế mà còn về chất lượng cuộc sống của người dân, sự nhìn nhận của cộng đồng quốc tế.

Về kinh tế, điểm đáng chú ý là Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đã đạt khoảng 4.000 USD, gấp hơn 5 lần con số 784,37 USD của năm 2006.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, quy mô GDP năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 450 tỷ USD, đứng thứ 4 trong khối ASEAN-6.

Về môi trường kinh doanh, theo bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý II/2023 do Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích EIU thuộc Tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) công bố, Việt Nam nhảy vọt 12 bậc trong 5 năm qua. Theo EIU, Việt Nam có chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, điểm số của Việt Nam tăng nhờ triển vọng kinh tế đã được cải thiện.

Đặc biệt, sau 17 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (2006 - 2023), Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu với việc ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA).

Năm 2006, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 84,7 tỷ USD (trong đó, xuất khẩu là 39,8 tỷ USD và nhập khẩu là 44,9 tỷ USD), thì đến năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng 865%, lên 732,5 tỷ USD (xuất khẩu đạt 371,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt 360,65 tỷ USD).

Ở khía cạnh khác, Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2023 vừa được Liên hợp quốc công bố ghi nhận chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65. Các tiêu chí được đánh giá của chỉ số này gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng.

Theo bảng xếp hạng Asia Power Index năm 2023 (Chỉ số quyền lực châu Á) của Viện nghiên cứu Lowy, Australia, Việt Nam xếp thứ 12 trên tổng số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ về “sức mạnh toàn diện”.

“Rõ ràng, đó là những điểm sáng đáng mừng và cá nhân từng người dân theo dõi những chuyển biến của thời cuộc trong nhiều năm qua cũng cảm nhận rõ sự thay đổi, khác biệt trong từng hơi thở của cuộc sống thường nhật và hoạt động kinh tế - xã hội”, ông Thành chia sẻ.

Dám học hỏi và dấn bước

“Chúng ta muốn phát triển bền vững hơn, muốn đẩy mạnh sức sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng những điều này vẫn chưa rõ ràng trong các kết quả đạt được”, ông Thành nhận định.

So với năm 2021, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giảm 4 bậc (từ 44 xuống 48), Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) theo đánh giá Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên hợp quốc cũng giảm 4 bậc (từ 51 xuống 55), mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ 70 xuống 72)…

Báo cáo Hành trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu của KPMG được công bố vào tháng 3/2023 chỉ rõ: Việt Nam đang ở giai đoạn 2 trong 4 giai đoạn hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là giai đoạn có mức độ sản xuất còn hạn chế: hàm lượng giá trị nội địa ở mức trung bình trên giá trị xuất khẩu; khâu sản xuất chủ yếu tham gia vào các mắt xích có giá trị gia tăng thấp, dẫn đến lợi nhuận thấp. Tại giai đoạn này, quốc gia chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và có sản phẩm đầu ra đòi hỏi độ phức tạp thấp về kỹ thuật.

Theo KPMG, hạ tầng công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ không đồng bộ, thiếu lao động lành nghề và năng lực quản lý chuỗi cung ứng ở mức thấp đã cản trở các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chuyển đổi sang giai đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để cải thiện vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: có kế hoạch phân bổ nguồn lực hợp lý cho nâng cao năng lực, tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là năng lực đổi mới sáng tạo và thích ứng. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, cần tận dụng nhiều hơn hỗ trợ từ các đối tác khác nhau: doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp khác về công nghệ, đào tạo lao động để mở rộng các chủ thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu… Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, để làm được những điều đó, cần những quyết định và sự đồng lòng mạnh mẽ hơn.

Về chuyển đổi số, Báo cáo thường niên 2022 thuộc Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 do Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện cho thấy, đa phần doanh nghiệp đã có nhận thức và ý thức được về sự cần thiết phải chuyển đổi số nhưng chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.

“Rõ ràng, để cải thiện vị thế của Việt Nam trong thời gian tới, còn có nhiều việc cần làm với sự chung tay của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả thế giới dấn bước trong cuộc cách mạng số, Việt Nam không thể trì hoãn, nhưng phải cắt nghĩa được câu hỏi: mình có dám thử nghiệm và chấp nhận rủi ro để dấn bước vào cuộc chơi không?”, ông Thành đặt vấn đề.

Gần 40 năm trước, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới khi chưa hiểu rõ về kinh tế thị trường và hội nhập, nhưng vẫn dám làm, dám bước đi, đổi mới tư duy để bắt nhịp và đạt được những thành tựu như hôm nay. Từ thành tựu này, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới, dấn bước trong cuộc đua của cả thế giới mới có thể đạt mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.