Truyền thông chính sách nhìn từ việc tăng giá điện

(BĐT) - Bất kể một chính sách nào, dù có hợp lý đến đâu, nếu không nhận được sự đồng tình của công luận, không được truyền tải trung thực, thuyết phục trên báo chí sẽ gây ra những hệ lụy. Hãy cùng nhìn lại qua một điển hình, chính là việc tăng giá điện.
Quyết định tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3/2019 khiến dư luận dậy sóng. Ảnh: Gia Khoa
Quyết định tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3/2019 khiến dư luận dậy sóng. Ảnh: Gia Khoa

Tăng giá điện - tăng bức xúc

Một trong những chính sách gây bão dư luận nhất từ đầu năm đến nay có lẽ là Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Công bằng mà nói, sau hai năm kiềm giữ, giá bán điện phải tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Dù ấn định thời điểm tăng giá điện là ngày 20/3, nhưng phải thừa nhận, những “động thái” chuẩn bị cho việc tăng giá điện đã bắt đầu từ trước đó khá lâu. Đặc biệt với báo chí, đã có những sự chia sẻ, thông tin trong các cuộc gặp gỡ không chính thức để nói về điện.

Ở những diễn đàn chính thức hơn như các cuộc họp Chính phủ, tình trạng hoặc nguy cơ thiếu điện đã được đề cập. Tình hình có vẻ không như mong muốn khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 17/1 đã nói thẳng trong Hội nghị tổng kết ngành công thương: “Dù chúng ta triển khai chương trình điện rác, điện tái tạo, mua điện… thì không thể có chuyện Bộ Công Thương hay EVN báo cắt điện. Anh nào nói cắt điện, tôi cách chức luôn anh đó”.

Còn đầu tháng 12/2018, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng cũng nói: “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ bị cách chức”. Nguyên nhân là vì lúc đó, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cảnh báo rằng “việc không đảm bảo cung cấp than dẫn tới phải dừng các nhà máy nhiệt điện than” và khẳng định có thể sẽ phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019. Thế nhưng Thủ tướng nhắc ngay rằng từ đầu nhiệm kỳ ông đã có nhiều cuộc họp và quyết định nhiều giải pháp để bảo đảm có đủ điện cho cả nước đến sau năm 2020.

Dông dài như thế để thấy rằng: không phải là việc tăng giá điện không được chuẩn bị dư luận từ trước. Nhưng có lẽ, những điểm nhấn đã không được “nhấn” đúng cách. Người ta có cảm giác rằng nguy cơ mất điện được nại ra để gây áp lực cho cả những người có quyền quyết định đến những chính sách vĩ mô của đất nước. Và thật ra, trước những hiệu ứng không mong muốn ấy, người ta không thấy được những động thái hợp lý, có cơ sở hơn đối với việc tăng giá điện, hay nói theo cách của Bộ Công Thương là “điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân”. 

Xử lý “cách diễn đạt”?

Thực ra những người trong “làng báo” đều biết rằng: đầu tháng 3/2019, báo chí đã được thông tin về việc sẽ tăng giá điện và được đề nghị thông tin rộng rãi. Nhưng có lẽ, công tác chuẩn bị đã không được như ý muốn.

Thông tin về việc ngày 20/3  chính thức tăng giá điện bình quân thêm 8,36% lập tức thu hút công luận. Báo chí đưa tin một cách trung tính, lý giải những nguyên nhân phải tăng giá điện theo phát ngôn của quan chức Bộ Công Thương cũng như lãnh đạo EVN. Không chỉ trên báo chí, mà mạng xã hội cũng bắt đầu “nổi sóng” với những lời kêu than và lo ngại cho giá cả tăng, lạm phát khó có thể kìm được như chỉ tiêu Quốc hội giao.

Và sang tháng 4, tháng 5/2019, khi những hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình đột ngột tăng cao, công luận lại càng “dữ dội” hơn vì có thể do cách tính, người dân không thấy rằng tiền điện chỉ tăng 8,36% như lãnh đạo EVN và Bộ Công Thương đã tính toán trước đó. Và đương nhiên, những ý kiến trái chiều hay không đúng với “mong muốn” hoặc bản chất của việc tăng giá điện đã xuất hiện đầy rẫy trên mạng xã hội, thậm chí cả ở diễn đàn Quốc hội.

Thủ tướng quyết định giao Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra việc tăng giá điện. Bộ Công Thương ngay lập tức lập 3 đoàn kiểm tra sau khi gửi báo cáo cho Thủ tướng. Đáng nói, trong báo cáo của Bộ Công Thương có kiến nghị Thủ tướng “giao Bộ Thông tin và Truyền thông” xử lý những người “cố ý xuyên tạc về giá điện”. Đề nghị này lập tức được báo chí truyền tải và lại “dậy sóng” công luận. Sau đó, đích thân một Thứ trưởng Bộ Công Thương phải lên báo chí trả lời rằng: đó là do cách diễn đạt và Bộ Công Thương luôn tiếp thu mọi ý kiến, kể cả là trái chiều của người dân…

Như vậy, việc truyền thông tin về tăng giá điện, cơ sở để giá điện tăng… đã không được quan tâm một cách đúng mức. Và vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phải đăng đàn trước Quốc hội để giải thích. Dĩ nhiên, vẫn còn phải chờ cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tăng giá điện, cơ sở tăng giá điện và cách ghi số điện, tính tiền điện mà Thanh tra Chính phủ đang tiến hành. 

Vì báo chí là thông tin

Ví dụ về truyền thông chính sách trên đây cho thấy, khi sự đồng thuận trong nhân dân được đặt lên hàng đầu trong việc hoạch định chính sách, thì vai trò của báo chí không thể xem nhẹ.

Không phải vô lý khi tất cả các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay đều chú trọng đến công tác truyền thông. Khi giải trình với Quốc hội về việc tăng giá điện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng: “Cần làm tốt hơn công tác cung cấp thông tin, truyền thông, bảo đảm niềm tin của nhân dân với điều hành của Chính phủ”.

Tất nhiên, để làm tốt công tác truyền thông thì không thể không cung cấp những thông tin đầy đủ cho báo chí để truyền tải. Mọi chính sách chỉ có thể đi vào cuộc sống khi không còn một sự nghi ngờ nào của người dân. Thật không may, không phải lúc nào những thông tin về một chính sách, thậm chí là một chính sách tiến bộ của Chính phủ cũng được cung cấp một cách đầy đủ.

Đơn cử như Nghị định số 17/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Đây thực chất là việc mở rộng danh sách các nước được Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân. Nhưng vì Nghị định ghi không rõ, nên nhiều cơ quan báo chí khi thông tin lại hiểu nhầm rằng: những nước đã được Việt Nam cấp thị thực điện tử cho công dân nằm ngoài danh sách ấy. Đến nỗi Văn phòng Chính phủ hồi tháng 2/2019 phải ra một thông báo nói rõ vấn đề.

Để thấy được rằng, ngoài việc cung cấp đầy đủ cho báo chí, thì thông tin phải thật rõ ràng, mạch lạc. Bởi các chính sách đều phải tuân thủ một nguyên tắc “chỉ có một cách hiểu”. Điều này sẽ tránh được sự tùy tiện trong áp dụng, triển khai chính sách trên thực tế. Và cũng là để khi thực hiện chức năng “cầu nối thông tin”, báo chí bảo đảm được vai trò duy trì niềm tin của người dân vào những chính sách đúng đắn của Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục