Tên lửa Triều Tiên trong cuộc duyệt binh hồi tháng 4. Ảnh:Reuters. |
Triều Tiên có vai trò như vùng đệm giữa Trung Quốc và Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950 và "đóng góp cho bảo vệ hòa bình, an ninh Trung Quốc". Trung Quốc nên "cảm ơn Triều Tiên vì điều đó", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA đăng bài bình luận hôm nay cho biết, cảnh báo "hậu quả thảm khốc" nếu Trung Quốc tiếp tục thử sự kiên nhẫn của nước này.
Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, mô tả bài bình luận trên KCNA "là siêu hung hăng chứa đầy cảm xúc chủ nghĩa dân tộc".
"Bình Nhưỡng rõ ràng đang bám vào một thứ logic phi lý về chương trình hạt nhân", tờ báo cho biết. Trung Quốc "nên giúp Triều Tiên hiểu rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng theo cách chưa từng có nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân".
Theo Global Times, KCNA càng đăng bài bình luận, Trung Quốc sẽ càng hiểu cách Triều Tiên nghĩ và độ khó trong giải quyết vấn đề hạt nhân.
Truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân, khuyên Bình Nhưỡng "tránh mắc sai lầm" và nêu sự cần thiết của từ bỏ chương trình hạt nhân.
KCNA chỉ trích People's Daily và Global Times rằng họ chỉ "đưa ra lý do khập khiễng cho việc nghiêng theo Mỹ". "Triều Tiên sẽ không bao giờ van xin duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, mạo hiểm chương trình hạt nhân quý giá như sinh mệnh quốc gia", theo bài viết trên KCNA.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng được thiết lập trong chiến tranh Triều Tiên. Trung Quốc hiện là đồng minh lớn nhất của nước láng giềng. Tuy nhiên, quan hệ hai nước bắt đầu đi xuống trong những năm gần đây, liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Truyền thông hai nước đấu khẩu là dấu hiệu cho thấy quan hệ song phương ở mức xấu. KCNA thường chỉ đăng bài chỉ trích Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, hiếm khi công kích Trung Quốc.
Washington đang thúc giục Bắc Kinh gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuần trước cảnh báo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về "hậu quả thảm khốc" nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, không thể gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gạt bỏ quan điểm từ ông Tillerson, nói "chìa khóa để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nằm trong tay Trung Quốc".