Tự chủ bệnh viện, trường học: giám sát chất lượng tương ứng với giá dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trả lời báo chí bên lề Hội thảo góp ý sửa đổi Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), ông Nguyễn Trường Giang - Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính nhấn mạnh, cần có các giải pháp chống “sốc” cho xã hội khi các bệnh viện, trường học chuyển sang cơ chế tự chủ và đẩy giá dịch vụ lên cao, đồng thời phải có sự giám sát chất lượng dịch vụ tương ứng với mức tăng giá dịch vụ.

Quá trình tự chủ ĐVSNCL đã được thực hiện từ lâu song hiện còn rất nhiều điểm đáng quan ngại. Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K vừa xin dừng tự chủ toàn diện với một trong những nguyên nhân là thiếu tính chủ động về nguồn đầu tư mua sắm trang thiết bị. Ông bình luận gì về điều này?

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K được thí điểm tự chủ toàn bộ về tài chính (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) trong 2 năm theo Nghị quyết 33/NQ-CP năm 2019.

Ông Nguyễn Trường Giang

Ông Nguyễn Trường Giang

Hiện có cách nghĩ, đơn vị tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị, đầu tư tài sản. Theo tôi, cách hiểu như vậy chưa đúng. Nghị định 60/2021/NĐ-CP (Nghị định 60) quy định khi Nhà nước giao nhiệm vụ cho đơn vị thì Nhà nước sẽ bố trí kinh phí tương xứng với nhiệm vụ được giao. Do đó, kể cả những đơn vị tự chủ toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên như Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp Nhà nước giao nhiệm vụ cho xây dựng cơ sở A, trang bị thiết bị B mà theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì ngân sách nhà nước vẫn hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao. Nội dung này đã có tại Nghị định 60 và sẽ được hướng dẫn rõ hơn để các đơn vị yên tâm trong triển khai thực hiện.

Mặt khác, Nghị định 60 và các quy định trước đây cũng giao quyền cho đơn vị sự nghiệp được sử dụng Quỹ phát triển sự nghiệp để mua sắm tăng cường trang thiết bị, đổi mới kỹ thuật để nâng cao năng lực của đơn vị. Tuy vậy, có điểm hiểu chưa thống nhất là các đơn vị này có được sử dụng quỹ này để mua phương tiện đi lại (xe ô tô) do các quy định chưa nêu rõ.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 60 và các văn bản hướng dẫn thời gian tới, chúng tôi đề xuất sửa đổi theo hướng ĐVSNCL có nguồn thu và Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp đủ để mua sắm tài sản, trang thiết bị cần thiết, trong đó có xe ô tô thì sẽ được mua theo đúng định mức quy định của Chính phủ.

Với cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL, thời gian tới giá dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục dự kiến sẽ tăng mạnh. Cơ quan xây dựng chính sách đã tính đến sức chịu đựng của đại đa số người dân chưa, thưa ông?

Nghị định 60 ra đời đã trao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL với quy định cụ thể, rõ ràng hơn về nguồn tài chính, tách rõ nguồn thu hoạt động sự nghiệp công, đặc biệt đối với hai lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các dịch vụ công là y tế và giáo dục.

Nghị định 60 lẽ ra thực hiện ngay từ tháng 6/2021.Tuy nhiên, do tác động bởi dịch Covid-19, các ĐVSNCL bị ảnh hưởng nguồn thu. Cũng bởi những khó khăn của kinh tế - xã hội nên Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước với quy định lùi lộ trình cải cách tiền lương. Vì vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ việc lùi lộ trình thực hiện Nghị định 60 một năm, tức là thực hiện từ năm 2023.

Tuy vậy, quá trình tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho thấy có một số điểm đáng quan tâm. Chẳng hạn, về việc tính đủ giá chi phí (tiền lương, khấu hao, chi phí quản lý…) cung cấp dịch vụ công với các đơn vị cung cấp các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục được lùi lộ trình đến năm 2025 do tác động của dịch Covid-19. Để tránh “sốc” cho xã hội, bên cạnh việc tính đủ chi phí vào giá dịch vụ, Nhà nước cần chính sách hỗ trợ các đối tượng nghèo, đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế như cung cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ người nghèo…

Dù có quy định như vậy, có thể đảm bảo hiệu quả thực thi không, thưa ông?

Việc tổ chức thực hiện là rất quan trọng, cần sự chung sức của chính quyền các cấp, đặc biệt là lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban nhân dân. Trên cơ sở khuôn khổ quy định, các cấp thể chế hóa và cụ thể hóa trong thẩm quyền để tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện được quyền tự chủ. Bên cạnh đó, các ĐVSNCL cũng phải nâng cao trách nhiệm tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch. Sẽ có đơn vị tự chủ có sự giám sát của tập thể cán bộ công chức trong đơn vị cũng như giám sát của xã hội thì tự chủ mới thành công.

Về nguyên tắc kinh tế, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có thu và chi tương ứng. Chi phải theo định mức, khuôn khổ và có sự giám sát của các cơ quan liên quan. Khi tăng giá dịch vụ thì chất lượng phải tăng tương ứng song lộ trình đó phải được kiểm soát chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục