Đây là hội thảo chuyên đề đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện của Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 - Industry Summit 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức từ ngày 9 - 18/11 và ngày 6/12/2021 với chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số ".
Phát biểu khai mạc tại hội thảo chuyên đề diễn ra sáng ngày 9/11, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua 35 năm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng CNH, HĐH; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên. Theo UNIDO, xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam tăng từ vị trí 58 năm 2015 lên thứ 42 vào năm 2019, phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu.
Tuy vậy, quá trình CNH, HĐH đất nước còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.
Báo cáo tại Hội thảo Chuyên đề 1, Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 16,7%; tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ trung bình và cao chiếm 40% về giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành chế biến chế tạo.
Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước CMCN4 cho thấy, với thang điểm 5, hầu hết các ngành đều có điểm số dưới 2,5 ở tất cả các khía cạnh. Quá trình chuyển đổi trong 3 năm vừa qua tương đối chậm chạp, ít thay đổi do nguồn lực, nội lực của các doanh nghiệp còn hạn chế, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều.
Yêu cầu thực tiễn công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam phải đặt trong bối cảnh mới, trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu đã thay đổi (Ảnh minh họa internet) |
Bộ Công Thương cho biết, điểm nghẽn của ngành công nghiệp Việt Nam trước hết xuất phát từ nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…).
Nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém với tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn thấp.
Trong khi đó, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều đầu tư vào sản xuất. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.
Nguyên nhân của thực trạng trên được chỉ ra là thiếu khung pháp lý, cơ chế chính sách; thiếu tính liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường thế giới; thiếu tính định hướng về phân bổ nguồn lực xã hội.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất định hướng chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn tới năm 2030 chú trọng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp (đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển công nghiệp trình Chính phủ và Quốc hội thông qua) và thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về CNH, HĐH (chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước).
Cần phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực để phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trên nguyên tắc dựa trên lợi thế của đất nước, hình thành chuỗi cung ứng trong nước; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và mức độ thông minh.
Đồng thời, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước (chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước) nhằm phát triển doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển đất nước.
Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu cũng là một trong những định hướng quan trọng được nêu ra, nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc CMCN4 nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.