Tuổi hưu nam được đề xuất nâng lên 65, nữ 60

Đề án cải cách bảo hiểm xã hội đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động thay vì để nam 60, nữ 55 như hiện nay.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung.

Sáng 23/4, Uỷ ban về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2017.

Trình bày sơ bộ đề án cải cách bảo hiểm xã hội chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tinh thần chung là Chính phủ đưa ra hai phương án. Trong đó, việc cải cách hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân và thiết kế bảo hiểm đa tầng.

Cụ thể, tầng một là an sinh xã hội, các trường hợp đang hưởng chính sách bảo trợ sẽ chuyển sang bảo hiểm do nhà nước đóng, độ tuổi từ 80 như lâu nay sẽ giảm dần.

Tầng thứ 2 là bảo hiểm bắt buộc như hiện nay và tầng 3 bổ sung bảo hiểm tự nguyện theo nguyên tắc thị trường; tạo điều kiện cho người lao động, chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.

Chính phủ cũng xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm. Trong thực tế có những người tham gia bảo hiểm 10, 15 năm thì không thể theo được nữa. Vì vậy, Chính phủ dự kiến thời gian này có thể giảm xuống 15 năm, tiến tới là 10 năm, "đương nhiên đóng ít hưởng ít".

Bộ trưởng Lao động cho biết, đề án thiết kế tương đối kỹ các giải pháp để đảm bảo tính ổn định, bền vững của chính sách; việc điều chỉnh chính sách liên quan sẽ có lộ trình để không gây sốc cho xã hội.

Lãnh đạo Bộ Lao động nêu ví dụ, việc điều chỉnh tuổi hưu người lao động có hai phương án. Một là tăng tuổi hưu lên 62 với nam và 60 với nữ; hai là tăng tuổi hưu lên 65 với nam và 60 với nữ.

"Với phương án một thì tuổi hưu sẽ được tăng mỗi năm 3 tháng cho đến khi đạt 62 với nam và 60 với nữ; phương án 2 mỗi năm 4 tháng để không gây sốc cho xã hội", ông Dung nói và cho biết vấn đề này sẽ do Trung ương quyết định, sau đó Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét sửa luật.

Tin cùng chuyên mục