![]() |
Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam sẽ tác động tiêu cực đến các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ… Ảnh: Lê Tiên |
Thách thức mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu
Đến thời điểm này, cơ quan thống kê chưa công bố số liệu về tình hình kinh tế quý I, trong đó có xuất nhập khẩu. Dù vậy, thông tin từ một số bộ ngành cho thấy, dù gặp không ít khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu một số ngành hàng như nông lâm thủy sản, dệt may… vẫn tiếp đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, “động lực” XK đang đứng trước thách thức rất lớn khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và áp thuế đối ứng lên hàng chục quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ. Việt Nam bị áp thuế đối ứng lên tới 46% trong khi hiện Hoa Kỳ là thị trường XK hàng đầu của Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Bích Ngọc, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế thuộc Trường Đại học kinh tế Quốc dân, với mức thuế mới này, hoạt động XK sang Hoa Kỳ của DN Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Nhiều DN sẽ bị thu hẹp lợi nhuận, tăng chi phí, từ đó giảm sức cạnh tranh, nhất là các nhóm ngành điện tử, dệt may, da giầy, gỗ…
Cũng theo bà Ngọc, việc Hoa Kỳ áp thuế có thể ảnh hưởng đến việc thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam, nhất là ở những nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao.
Chia sẻ với báo chí, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động XK hàng hóa của DN Việt Nam. Cơ hội gia tăng XK hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị thu hẹp.
Các đại diện DN ngành gỗ, thủy sản, dệt may… cũng không giấu lo lắng trước thông tin trên. Việc áp thuế đối ứng sẽ khiến giá thành sản phẩm của các ngành này tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng khả năng cạnh tranh, giảm sức hút trên thị trường Hoa Kỳ, từ đó tác động đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức độ ảnh hưởng tới từng ngành sẽ khác nhau, tùy theo khả năng thích ứng của DN. Để thích ứng với quy định này của Hoa Kỳ, các DN Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược hoạt động.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm cũng như thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Ảnh: Nhã Chi |
Tìm kiếm cơ hội trong thách thức
Sau khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn phía Hoa Kỳ có chính sách phù hợp với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, mong muốn của người dân hai bên và những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua... Để ứng phó hiệu quả với những diễn biến khó lường của thị trường thương mại thế giới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức và cú sốc từ bên ngoài.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đứng đầu; giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ DN, trong đó có các DN XK lớn.
Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là cơ hội khẳng định bản lĩnh, sức mạnh của dân tộc; cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…
Đánh giá cao động thái kịp thời của Chính phủ, TS. Lê Quốc Phương, chuyên gia thương mại cho rằng, mức thuế 46% áp dụng với Việt Nam dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, nghĩa là chúng ta vẫn còn có thời gian để tìm phương án ngăn chặn những tác động của thuế quan.
Ông Phương nhấn mạnh, vừa qua, Chính phủ đã có những phản ứng rất nhanh trong việc thực hiện giải pháp hài hóa hóa thương mại với đối tác Mỹ. Lần này, chúng ta cần phải có giải pháp kịp thời hơn nữa để hạn chế những tác động bất lợi. “Về dài hạn, cần thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường nội lực cho DN trong nước, từ đó tạo nền tảng vững chắc để nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả của nền kinh tế”, ông Phương khuyến nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Bích Ngọc nhấn mạnh, thách thức từ thị trường XK cũng là cơ hội để DN tái cơ cấu, nâng cao nội lực, khai thác tốt hơn thị trường trong nước; tập trung đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… để tối ưu hóa sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Về vấn đề thị trường, bà Ngọc cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị công bố áp thuế đối ứng mà có rất nhiều các quốc gia khác. Để giảm thiểu tác động, dòng thương mại quốc tế có thể chuyển hướng sang các thị trường khác. “Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Đến nay, Việt Nam có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hàng chục quốc gia trên thế giới. Đây là cơ hội chúng ta nhanh chóng xoay trục thị trường XK”, bà Ngọc gợi ý.
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN đã tìm hướng mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm thị trường thay thế hoặc tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nhưng kết quả đạt được chưa nhiều. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, DN Việt Nam cần chủ động chuyển dịch một phần quá trình sản xuất, tìm kiếm giải pháp sáng tạo để tiết giảm chi phí, điều chỉnh mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, DN cần sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước để tìm kiếm, thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống cũng như giảm thiểu tác động bất lợi từ chính sách thuế của Hoa Kỳ.